Ngày 18/6 cả Trung Quốc lẫn Philippines đều bất ngờ tuyên bố rút tầu ra khỏi khu vực tranh chấp vì lý do thời tiết. Tuy nhiên, ngày 24/6 Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố là tàu Trung Quốc trước đó đã đâm vào một tàu cá của ngư dân Philippines ở Scarborough.

Ngày 25/6, Manila nói tàu cá Trung Quốc tuy đã rời khỏi vùng biển tranh chấp quanh Bãi cạn Scarborough nhưng một số tàu lớn vẫn đậu ở phía xa hơn. Thông tin này được đưa ra hôm Thứ Hai đầu tuần này, tiếp theo điều mà Philippines tố cáo là tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá của Philippines trong vùng biển bãi cạn. Thời tiết xấu được cho là cái cớ để Trung Quốc và Philippines cùng "lui binh" trong vụ tranh chấp chủ quyền tại bãi đá Scarborough trên Biển Đông. Tuy nhiên, đằng sau động thái này dư luận cho rằng có thể có nhiều tính toán sâu hơn từ mỗi phía.

Cả hai bên đều xuống thang

Ngày 18/6 đầu tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo, tổng thống Aquino đã ra lệnh rút các tàu của Philippines ra khỏi vùng Scarborough vào lúc cơn bão nhiệt đới tràn qua nước này. Chính quyền Manila cũng nói rõ, việc rút tàu ra khỏi khu vực không có nghĩa là Philippines từ bỏ chủ quyền đối với Scarborough. Giữa tuần trước, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố là Manila vẫn giữ ý định đưa hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở bãi đá Scarborough ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển - ITLOS - có trụ sở tại Hamburg (Đức) để giải quyết, cho dù từ cuối tháng Tư, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này của Philippines.


Vẫn theo đại diện Bộ Ngoại giao Philippines, Manila và Bắc Kinh tuy đồng ý rút các tàu của mình ra khỏi vành đai san hô ở trung tâm bãi đá Scarborough, nhưng khẳng định rằng đó không phải là một sự rút lui hoàn toàn, có nghĩa là không loại trừ khả năng quay lại nơi đây.

Hãng tin AFP cho biết là thêm, cũng trong ngày 18/6, một thông báo được đăng trên website của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, nói rằng Bắc Kinh đã điều một tàu cứu hộ đến khu vực bãi đá Scarborough để giúp đỡ các tàu đánh cá Trung Quốc rút khỏi khu vực bãi đá, vì tại đấy, thời tiết xấu và biển động mạnh.

Từ hơn hai tháng nay, tàu của hai bên đối mặt nhau và Trung Quốc từng liên tục đưa thêm tàu tới đây, số lượng ngày càng nhiều, cho dù cả Bắc Kinh và Manila đều ban bố lệnh cấm đánh cá trong vùng. Cho đến nay, Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực Scarborough cũng như đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Trong khi đó, Manila cho rằng bãi đá này - chỉ cách Luzon, đảo chính của Philippines, khoảng 140 hải lý về phía tây - nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và do vậy, thuộc chủ quyền của Philippines, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - UNCLOS.

Cuối cùng thì cả Trung Quốc lẫn Philippines đều phải kết thúc "sô diễn" có phần kịch tính cao và kéo khá dài so với những tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN từ trước đến nay. Tuy nhiên, mỗi bên đều biết rõ vấn đề chủ quyền xung quanh bãi đá Scarborough chưa dễ gì kết thúc một cách đơn giản như vậy.

Biểu hiện rõ rệt nhất cho sự dai dẳng kéo dài của cuộc "khẩu chiến" này là tuy cả hai bên đã thổi kèn "lui binh" khỏi bãi cạn, nhưng ngày 24/6, Philippines vẫn đưa ra cáo buộc rằng tàu Trung Quốc đã đâm vào một tàu cá của Philippines đang hoạt động ở phía bắc Bãi cạn Scarborough làm một người chết và bốn người sau đó mất tích.

"Bản quyết toán" của mỗi bên

Về phía Philippines, qua vụ Scarborough, uy tín cá nhân của đương kim tổng thống Benigno Aquino lên cao một cách trông thấy so với thời kỳ đầu ông mới nhậm chức. Thời kỳ chân ướt chân ráo mời ngồi vào chiếc ghế nguyên thủ, dư luận nội bộ Philippenes cho rằng ông Aquino là một tổng thống "tay mơ".

Nhưng qua một vài "phi vụ làm ăn" với Trung Quốc, từ giao thiệp đến đụng độ, dư luận ghi nhận ông Aquino là một tổng thống có bản lĩnh. Ông đã dám ngang ngửa đương đầu với bạo quyền, cho dù đó là bạo quyền từ một đại cường đang trỗi dậy mà sức mạnh, nhất là sự áp đặt trong các vụ tranh chấp lãnh thổ và biển đảo với lân bang, đang có "thâm niên".

Vào những năm trước đây, Philippines từng thử nghiệm theo đề xuất của Bắc Kinh về chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng rồi vẫn không xuôi với Trung Quốc. Đấy là chưa kể "vụ đi đêm" ấy còn làm mất lòng anh em bè bạn cùng cảnh ngộ bị ức hiếp giống mình, làm tổn hại đến tình đoàn kết vốn mong manh trong ASEAN.

Gần đây nhất, ông Aquino áp dụng các biện pháp tổng hợp, vừa ngoại giao - quân sự, vừa đấu tranh pháp lý. Ông đã họp với tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng hồi đầu tháng để bàn về một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và đã nhận được lời hứa của Mỹ giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ và hiện đại hóa quân đội.

Về phía Trung Quốc, sau một thời gian "xưng hùng xưng bá" tại khu vực Bãi đá Rong, có thể đại quốc này đã ngẫm ra cái sự "lợi bất cập hại" của tấn tuồng "đánh Phi quá đà". Biết đâu "ngư ông đắc lợi" nhất của vụ này không khéo lại là Mỹ! Chẳng là từ "chuyển trục" đến "tái cân bằng", nước Mỹ đang muốn chuyển 60% lực lượng hải quân của mình từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Nước Mỹ đang cần những cơ hội mới để củng cố và thắt chặt hơn nữa các quan hệ đồng minh cũ (như với Philippenes) và xây dựng các quan hệ đối tác mới (như với Việt Nam và một số thành viên ASEAN khác). Chẳng nhẽ một đại cường đa mưu như Trung Quốc lai "mắc lỡm" Mỹ quả này?

Một điều nữa không kém phần quan trọng là cuộc họp gồm 27 quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á để bàn về những vấn đề nỏng bỏng của an ninh vùng (ARF) đang đến gần. Cho dù Chủ tịch ASEAN lần này là Camphuchia, nước mà trong Hội nghị Cấp cao ASEAN gần đây nhất đã có lúc định gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự. Nhưng tại Hội nghị ARF trong vòng hai tuần tới đây, chắc Campuchia cũng khó có "phép thuật" nào để làm nổi chuyện này! Vì vậy, trong 36 chước, giải pháp "tháo ngòi nổ" căng thẳng với Philippenes trước khi diễn ra Hội nghị ARF tháng tới và Hội nghị Cấp cao ASEAN cuối năm có lẽ là thượng sách!

Không mất mát nào của riêng ai!

Tuy nhiên, dư luận không mấy ai lường trước được bi kịch đã xẩy ra với các ngư dân Philippines: một người đã thiệt mạng và bốn người khác sau đó đang mất tích! Ngày 25/6, Đại Sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết đang tiến hành kiểm tra lại thông tin này, vì tính đến nay, ĐSQ chưa nhận được thông tin từ phía các cơ quan chức năng của Trung Quốc.

Trước đó, ngày 24/6, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định là tàu Trung Quốc đâm vào một tàu cá của ngư dân Philippines, ở phía bắc bãi đá Scarborough. Vụ Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines này xẩy ra vào giữa tuần trước đấy. Trên tàu cá bị đâm có 8 ngư dân Philippines, trong số 8 ngư dân này 4 người đã được cứu vớt, nhưng một trong số 4 người này đã qua đời tại bệnh viện. Bốn người khác hiện vẫn còn mất tích.

Trong một diễn biến liên quan, thể hiện sự lo ngại của Trung Quốc trong việc các nước ASEAN có thể nhích lại gần nhau hơn để đối phó với thái độ hung hăng của Bắc Kinh. Báo The Nation ngày 25/6 đã đăng phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh (Fu Ying) nói về quan hệ giữa các nước ASEAN với nhau và về quan hệ giữa khối này và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Bà Phó Doanh tới Bangkok vào cuối tuần qua để hội đàm với Thư ký Thường trực bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeo. Được biết, từ tháng 7/ 2012, Thái Lan sẽ đảm trách vai trò điều phối viên ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc, trong vòng 3 năm.

Nguyễn Thiều Quang