Xét đến cùng, việc Tổ quốc ghi nhận và trả công xứng đáng cho khoa học chính là cách Tổ quốc nuôi tương lai của chính mình.
>> Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta
>> Đổi mới và bài học từ láng giềng
>> Hàn Quốc và bài học 40 năm cho Việt Nam
Đọc bài viết Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta, của tác giả Nguyễn Công Thảo, tôi băn khoăn mãi: liệu chuyện những tháp ngà "3 sao" với những nhà nghiên cứu bóng bẩy liệu có phải là số đông để tác giả có thể khái quát chung cho giới khoa học?
Bản thân tôi cũng là một nhà khoa học trẻ, kiếm đủ trả tiền nhà hàng tháng, tiền ăn uống, đi lại cũng đã khó khăn, nói gì đến chuyện sắm Ipad, mua Iphone. Chúng tôi vẫn miệt mài với giảng dạy và khoa học như bao nhiêu nhà khoa học trên thế giới. Chỉ khác là chúng tôi bị nỗi lo của đồng tiền nó níu, mà chẳng phải lo để giàu có gì cho cam, chỉ là lo làm sao cho "đủ thực" để "vực được đạo".
Những con số biết nói mà tác giả Nguyễn Công Thảo nêu ra trong bài viết đều là những thống kê rất thật, thậm chí thật đến nỗi làm chúng tôi vô cùng xấu hổ. Đúng là nó biết nói, nhưng nói chưa trọn vẹn. Người ta thường hay liệt kê ra những so sánh về thành tích khoa học của nước mình với các nước khác để chế giễu thành quả khiêm tốn của cộng đồng khoa học Việt Nam. Song lại chẳng mấy ai bận tâm rằng đãi ngộ khoa học của những đất nước ấy gấp nhiều lần nước ta và nhìn ra được tác động của nó đến tâm huyết của nhà khoa học.
Nói đi, phải có nói lại
Trong buổi đối thoại giữa Bộ Khoa học Công nghệ với các nhà khoa học sau lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày 17/5, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng từng nhắc đến chuyện nhà khoa học đi làm thuê, ở nhà thuê.
Quả thật, thuê nhà cũng không phải điều đáng bàn nếu như những căn nhà đó không phải là những khu trọ lè tè. Làm thuê cũng chẳng có gì đáng phiền nếu đồng lương không bèo bọt đến mức chỉ đủ sống qua ngày. Thử hỏi ở tạm bợ, làm tạm bợ thì có cống hiến nào là không tạm bợ?
Lương của một Thạc sỹ hiện nay khoảng dưới 3 triệu đồng, Tiến sỹ không quá 4 triệu đồng, Phó giáo sư và Giáo sư không quá 10 triệu đồng. Trong điều kiện sống ở Hà Nội hay các thành phố lớn khác, nếu không phải kiêm luôn cả chức danh quản lý để có khoản này, khoản nọ, thì bắt buộc người làm khoa học phải "chân trong, chân ngoài" mới mong đủ trang trải cuộc sống. Mà đã "chân trong chân ngoài", làm sao có thể nói đến chuyên tâm, hết mình với khoa học?
Ảnh minh họa |
Trong một lần nói chuyện trước sinh viên, GS Nguyễn Lân Dũng kể nhóm nghiên cứu của ông viết cuốn sách chuyên khảo đầu tiên về lĩnh vực Vi sinh vật học mất mấy năm trời, mà số tiền nhuận bút nhận được bèo bọt đến khó tin. Đến nay, vài trăm nghìn vẫn đang là mức các tạp chí khoa học ở nước ta đang chi trả cho những nghiên cứu, bài báo khoa học có khi lên đến 15 trang giấy.
Trong khi đó, ở mặt chính sách chung, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được chi vẻn vẹn 200 tỷ đồng/ 1 năm [1]. Số tiền chỉ đủ để xây khoảng... nửa cái cầu vượt nhẹ Nguyễn Chí Thanh. Trong khi đó, có những trường đại học ở nước ngoài sẵn sàng đài thọ cho một sinh viên không phải công dân nước họ số tiền tương đương 7 tỷ đồng học bổng.
Như vậy có thể thấy rằng ở Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà trong bộ máy công quyền nói chung, tồn tại một vòng luẩn quẩn về trả lương và cống hiến. Người sử dụng lao động nghĩ rằng chỉ trả một số lượng thu nhập khiêm tốn vì người lao động chẳng làm được việc gì. Đến lượt mình, những người lao động lại nghĩ vì chỉ được hưởng thu nhập thấp nên không việc gì phải cống hiến nhiều. Việt Nam không có được một sức bật đáng kể nào có một nguyên nhân lớn từ đó.
Câu chuyện ăn khế, trả vàng
Hầu hết các nước có vị thế trong bản đồ khoa học thế giới đều coi giáo dục, khoa học công nghệ là bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, hiện đại hóa quốc gia. Và vì thế giáo dục nói chung và khoa học nói riêng được hưởng những khoản đầu tư mạnh mẽ.
Đầu tiên có thể kể đến Singapore. Những năm từ 1960 đến 1970, ngân sách chi cho giáo dục, khoa học của Singapore vào loại cao nhất ở châu Á, bình quân hàng năm chiếm tới 20% tổng ngân sách quốc gia. Cụ thể năm 1960 chính phủ nước này chi cho giáo dục khoa học 600.000 SGD và tăng vọt lên 10 triệu SGD chỉ sau 3 năm [2]. Lúc bấy giờ Singapore chỉ là một làng chài nghèo có tính tự trị trong liên bang Malaysia.
Sang những năm 1980, Singapore đưa ra "Cương lĩnh hoạt động đến năm 1999" và cho ra đời Quỹ phát triển kỹ năng do Chính phủ thành lập dưới sự đài thọ của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước. Trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 với chính sách nhất quán đầu tư mạnh cho giáo dục, hầu hết nguồn kinh phí ban đầu cho đầu tư này đều có được nhờ vay vốn nước ngoài.
Song song với đó là quá trình thu hút các nhà khoa học thế giới bằng những chính sách đãi ngộ hào phóng. Tất cả những đầu tư không tiếc trong điều kiện đất nước còn khó khăn và một thái độ khao khát người tài đã giúp Singapore vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh về kinh tế. Không những vậy, giáo dục khoa học còn ở top đầu khu vực, với dẫn chứng đơn giản nhất có thể thấy chỉ tính riêng ĐH Quốc gia Singapore đã có số lượng ấn phẩm khoa học được công bố trên thế giới cao gấp đôi của cả giới khoa học Việt Nam cộng lại.
Trường hợp thứ hai là Hàn Quốc - quốc gia có sự tương đồng sâu sắc về trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội và lịch sử với Việt Nam những năm 1960, nhưng lại có được bước phát triển cách biệt lên đến 20 lần so với Việt Nam sau 40 năm phát triển. Điều này nhờ vào chính sách Vòng tròn phát triển giáo dục - kinh tế - giáo dục. Với chương trình trọng điểm quốc gia Brain Korea 21 (BK21), Hàn Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ đô la vào công cuộc giáo dục, xây dựng đội ngũ tri thức hướng ngoại và không ngần ngại thuê các chuyên gia quốc tế giảng dạy.
Điển hình như Năm 2008, Hàn Quốc đưa ra Chương trình các đại học đẳng cấp thế giới nhằm "nhập khẩu" các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, giúp sức "để chuyển đổi các trường đại học Hàn Quốc thành những viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới". Kết quả của những quá trình này là một bước tiến dài đầy ngưỡng mộ không chỉ về kinh tế mà còn về giáo dục. Có thể dẫn ra đây một ví dụ cụ thể năm 1990, tổng số bài báo khoa học từ Hàn Quốc trên các tập san khoa học quốc tế chỉ 1.382 bài (tức xấp xỉ con số của Việt Nam hiện nay). Vậy mà đến năm 2008, con số này đã là 26.690 bài, tức tăng 20 lần trong vòng chưa đầy 20 năm.
Ngoài hai quốc gia kể trên, thì cũng không khó khi viện dẫn ra được Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản... như một khẳng định, đầu tư hiệu quả vào khoa học, giáo dục là một "cuộc kinh doanh" luôn có lãi.
Quay trở lại vấn đề đang được bàn luận này ở Việt Nam, rõ ràng cũng cần phải công tâm hơn trong việc nhìn nhận quan hệ đầu tư và kết quả. Tất nhiên, bản thân các nhà khoa học Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế đáng nói. Nhưng khó có thể đòi hỏi sự bứt phá về chất lượng từ họ khi mà cả nhà nước và xã hội vẫn còn những đối xử và cách nhìn bất công với khoa học. Và trong bài toán này, nhà nước cần là người chủ động đi trước, dựa theo bài học nhãn tiền có được từ quốc tế và khu vực.
Câu hát quen thuộc "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" vẫn luôn đúng. Nhưng không phải vịn vào đó để bắt "ta" phải cống hiến mà không được đòi hỏi. Bởi xét đến cùng, việc Tổ quốc ghi nhận và trả công xứng đáng cho khoa học chính là cách Tổ quốc nuôi tương lai của chính mình.
Phong Trần
---
[1]: Nhà nước chi 200 tỷ mỗi năm cho Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Tạp chí Tài chính, 23/8/2013.
[2]: Dẫn theo trang countrystudies.us, lấy nguồn từ Thư viện Quốc hội Mỹ.
Bài cùng tác giả:
Người thầy không nên là... chân lý Những cố gắng trói buộc tư duy của người học trò bằng thang đo trí tuệ của người thầy không chỉ làm cho giáo dục ngày một cổ hủ hơn mà còn làm cho đất nước, xã hội bị chững lại. Yêu nước qua mạng: Tại sao lại phê phán? Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ. Nhà chờ '5 sao' và chuyện 'đẽo chân vừa giày' Những lo ngại nhà chờ xe buýt '5 sao' không thực hiện đúng công năng, sớm bị đồng hóa vào bức tranh đô thị vốn chắp vá là rất đáng cân nhắc. Suy ngẫm từ clip cha dạy con xin lỗi Tiếc thay ở VN, từ khía cạnh đời sống hàng ngày cho đến đời sống chính trị ở VN, văn hóa xin lỗi dường như vẫn còn là "xa xỉ". |