Mâm ngũ quả nhiều màu sắc của người miền Bắc thường gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, lê, cam, táo, trứng gà, phật thủ,...

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường có nhiều màu sắc

- Chuối xanh tượng trưng cho sự sum vầy, đầm ấm và che chở. Chuối xanh có nhiều tinh bột kháng và pectin, hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Lượng kali dồi dào cần thiết cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ kiểm soát huyết áp.

Chất chống oxy hóa mạnh trong chuối giúp giảm tác hại của các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thoái hóa. Chuối có thể hỗ trợ giảm cân do có nhiều chất xơ, ít calo.

Lưu ý: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 tránh ăn nhiều chuối chín, nên theo dõi đường huyết cẩn thận sau khi tiêu thụ nhiều đường và carbohydrate.

- Phật thủ: Theo Đông y, phật thủ thường được dùng điều trị bụng đầy đau, biếng ăn, nôn, ho,… Phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, axit hữu cơ, tinh dầu; có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, kích thích tiêu hóa, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn, giã rượu…

- Quýt hay bưởi đều có axit hữu cơ, giải rượu tốt, mang lại cảm giác ngon miệng ngày Tết, nhất là khi cơ thể nạp nhiều đồ dầu mỡ, rượu bia...

Lượng vitamin dồi dào có đặc tính chống oxy hóa giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện hệ thống miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi vi khuẩn và virus có hại, giúp phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh dịp Tết.

Bưởi và chuối xanh là hai loại trái cây thường thấy trên mâm ngũ quả ở miền Bắc. Ảnh: TL

Mứt vỏ bưởi cũng có tác dụng chữa say xe, đau đầy chướng bụng. Tinh dầu từ vỏ quýt, vỏ bưởi giúp giảm căng thẳng, cải thiện triệu chứng lo âu, buồn nôn. Thường xuyên ăn bưởi có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp, cholesterol. 

Lưu ý: Nước ép bưởi có thể gây tương tác thuốc với một số thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, benzodiazepine, thuốc chống lo âu..

- Lê: Ngụ ý cho việc gì cũng suôn sẻ, thuận lợi. Quả lê chứa protein, lipid, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường glucose, axit acetic… Ăn lê thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị cao huyết áp, tim mạch, lao phổi, viêm phế quản cấp tính.

Hàm lượng vitamin, đường khá phong phú trong quả lê có tác dụng bảo vệ gan, dưỡng gan và lợi tiêu hóa.

Lưu ý: Lê có tính hàn nên người bị đau lạnh bụng, đi lỏng không nên dùng. Quả lê kỵ rau dền, thịt ngỗng, củ cải trắng và nước nóng.

Ở miền Nam, người dân thường có mãng cầu xiêm, sung, dừa, đu đủ, xoài, với mong muốn "cầu sung (túc) vừa đủ xài".

- Mãng cầu xiêm: Từ “cầu” trong “mãng cầu xiêm” được phát âm giống như lời cầu chúc trong năm mới. Thịt màu trắng của trái mãng cầu xiêm có tính giải khát, bổ dưỡng. Quả xanh làm săn da, hạt sát trùng, lá làm dịu. Khi chữa bệnh thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Trong trái mãng cầu xiêm có nhiều chất xơ, vitamin C, B1, B2, khoáng chất, đường, chất chống oxy hóa, ít calo,… giúp cải thiện hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa, làm đẹp da, bồi bổ sức khỏe, làm chắc răng xương, giảm cân, cải thiện thiếu máu, ngăn bệnh lý tim mạch…

Lưu ý: mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa khoảng 50g mãng cầu xiêm, tránh ăn quá nhiều.

- Trái sung: Thể hiện mong muốn sung túc. Trái sung vị ngọt chát, tính bình, tác dụng nhuận tràng thông tiện, nhuận phế lợi hầu, tiêu viêm, tiêu đàm, bổ máu, giải độc,…

Trái sung có chứa nhiều chất xơ, canxi, chất chống oxy hóa, vitamin giúp cải thiện sức khỏe xương, chữa táo bón, trĩ, bảo vệ gan, trị sỏi (mật, thận, bàng quang), giảm mỡ máu, giảm huyết áp, hỗ trợ giảm cân, chữa viêm loét dạ dày, kích thích tăng tiết sữa ở phụ nữ sau sinh… Sung ngâm là món ăn chống ngán trong bữa cơm.

Lưu ý: Nên ăn sung lượng vừa phải, quá nhiều có thể tiêu chảy.

Mâm ngũ quả thường thấy ở miền Nam. Ảnh: TL

- Trái dừa: “Dừa” có âm tương tự như là “vừa” trong tiếng miền Nam, có nghĩa không thiếu. Nước dừa giàu chất dinh dưỡng, ngăn ngừa sỏi thận, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, bổ sung chất điện giải, lợi tiểu, tăng sức đề kháng, nâng cao miễn dịch,…

Lưu ý: Buổi tối không nên dùng nước dừa, dễ gây khó tiêu. Người bị chậm tiêu, thích uống đồ ấm, da xanh tái,… không nên uống. Người suy thận dùng nước dừa cân nhắc lượng vừa phải.

- Trái đu đủ: Mang đến sự đầy đủ, phồn thịnh. Đu đủ tác dụng thanh nhiệt, bổ phế tỳ. Quả đu đủ chín có chứa nước, đường, protein, vitamin A, B, C, và các chất vi lượng như canxi, magie… tốt cho tiêu hóa, sức khỏe tim mạch, chống lão hóa, ung thư, cải thiện hệ miễn dịch.

Ăn đu đủ nên bỏ hạt. Ảnh: TL

Lưu ý: Ăn đu đủ nên bỏ hạt. Người có chức năng tiêu hóa kém không nên quá lạm dụng sẽ bị phản tác dụng. Người bị loãng máu nên hạn chế ăn.

- Xoài: Biểu thị cho cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn. Xoài chứa nhiều chất bột (quả xanh nhiều hơn quả chín), chất đường và nhiều loại vitamin, khoáng chất giúp cải thiện hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, hỗ trợ phát triển thị lực, ngăn ngừa ung thư… 

Lưu ý: Ăn quá nhiều có thể gây vấn đề về tiêu hóa, nhất là tiêu chảy. Hạn chế ăn quả xoài xanh lúc bụng đói, vì vị chua sẽ làm kích thích dịch vị trong dạ dày gây nguy cơ mắc bệnh đường ruột.

Bác sĩ y học cổ truyền Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM