Vượt qua sóng gió, sớm có lợi nhuận

Sheraton Hà Nội được khởi công từ năm 1993 bởi Tập đoàn Faber Group (Faber Labuan Sdn Bhd). Tới năm 1998, công trình về cơ bản được hoàn thiện và chuẩn bị đón khách thì cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Thái Lan đã khiến chủ đầu tư khó khăn. Faber Group đã rao bán Sheraton Hà Nội nhưng không thành công.

Không "tháo chạy" được, Faber Group phải tiếp tục hoàn thiện Sheraton Hà Nội. Nhưng mất thêm 6 năm nữa, tới năm 2004, khách sạn này mới được đưa vào hoạt động. Kỳ diệu là Sheraton Hà Nội nhanh chóng gặt hái được trái ngọt từ những năm hoạt động đầu tiên.

Ngay sau khi ra mắt, Sheraton Hà Nội đã đạt doanh thu 10 triệu USD, 20 triệu USD và 44 triệu USD trong các năm 2005, 2006, 2007. Lợi nhuận mà khách sạn này đạt được lần lượt là 6,9 triệu USD, 13 triệu USD và 23 triệu USD qua 3 năm này.

Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 2

Các số liệu này cho thấy Sheraton Hà Nội kinh doanh rất hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu các năm 2005, 2006 và 2007 lên tới 69%, 65% và 52,3%. Tỷ suất cao nhưng rõ ràng Sheraton Hà Nội đang đi lùi. Có lẽ vì vậy mà trong năm 2007, Faber Group đã đưa ra một quyết định chiến lược: Rút hoàn toàn khỏi Sheraton Hà Nội. Người mua là Berjaya Land Berhad (BHR) của tỷ phú Malaysia Vincent Tan.

Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 3
 
Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 4
 

Vào ngày 10/12/2007, BHR thông báo công ty đã thương thảo mua toàn bộ 70% cổ phần Sheraton Hanoi Hotel and Towers tại Faber. Thương vụ hoàn tất trong ngày 18/2/2008 và được thanh toán bằng tiền mặt. Số tiền BHR phải trả lên đến 68,22 triệu USD (khoảng 995 tỷ đồng tại thời điểm đó).

Theo Conglomera, Faber Group kiếm được khoản lợi nhuận 10,9% khi mà giá trị sổ sách ròng đã được kiểm toán của Sheraton đạt 61,5 triệu USD.

Hiện tại, ngoài BHR, Sheraton còn hai cổ đông. Đó là Công ty TNHH MTV Hồ Tây (nay đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Hồ Tây) và Berjaya Corporation Berhad. Trong khi đó, BHR là công ty con của Berjaya Corporation Berhad. Vì vậy, thực tế, Sheraton chỉ có 2 chủ.

Cũng vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, BHR còn thâu tóm khách sạn International Westlake Hanoi. BHR kỳ vọng 2 thương vụ này sẽ "tăng cường sự hiện diện của công ty tại địa phương và khu vực cũng như tác động tích cực đến lợi nhuận trong những năm tới".

Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 5

Lao đao vì khủng hoảng kinh tế

Có lẽ, Faber Group đã rất chính xác khi chọn thời điểm thoái vốn toàn bộ khỏi Sheraton Hà Nội. Ngay sau khi về tay BHR, Sheraton Hà Nội nhanh chóng trượt dốc. Con số về doanh thu lợi nhuận không được tiết lộ nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng cũng đủ sức nói lên tình hình sức khỏe khách sạn.

Năm 2007, trước thời điểm chuyển giao Sheraton, tỷ lệ lấp đầy phòng là 76,5%. Năm 2009, công suất tại Sheraton ghi nhận trung bình chỉ đạt 53%.

Đà giảm sút của Sheraton có lẽ không phải do "lỗi" của BHR. BHR tiếp quản một trong những khách sạn đẹp nhất Hà Nội đúng thời điểm khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ tàn phá nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài "cơn bão" này.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Sheraton so với các khách sạn khác là lớn hơn nhiều vì số lượng khách lưu trú của Sheraton chủ yếu là chuyên gia của các tập đoàn nước ngoài, những đơn vị lao đao vì khủng hoảng kinh tế.

Dù vậy, BHR vẫn hy vọng Sheraton sẽ sớm thích nghi khi khẳng định: "Chúng tôi khá chắc chắn rằng trong tương lai khách sạn sẽ hoạt động tốt".

Nhưng 2 năm sau đó, tình hình không được cải thiện. Trong năm 2010 và 2011, tỷ lệ lấp đầy trung bình cũng chỉ đạt 53% và 51%. Bước sang năm 2012, con số này tăng vọt lên 67% rồi giảm xuống 63% trong năm 2013.

Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 6

Giải thích cho những con số kém lạc quan này, BHR cho biết: "Nhìn chung, Việt Nam đã trải qua một quá trình chậm lại trong nền kinh tế và hoạt động kinh doanh trì trệ trong giai đoạn đầu năm tài chính. Điều này cùng với việc gia tăng nguồn cung phòng tại thị trường Hà Nội bão hòa đã ảnh hưởng đến hoạt động của Sheraton Hanoi".

Tới năm 2014, tình hình được cải thiện rất nhanh chóng, tỷ lệ lấp đầy tăng vọt lên 75%. Có được thành tích này là do nhu cầu lưu trú của nhân viên các tập đoàn lớn tăng mạnh. Nhưng tới năm 2015, con số này giảm nhẹ xuống 73%.

Doanh thu đi lùi cả thập kỷ

Sau khi về với BHR, 2016 là năm đầu tiên doanh thu của Sheraton được tiết lộ. Theo đó, nhờ tỷ lệ lấp đầy tăng vọt lên 82,9%, mà khách sạn ghi nhận mức tăng doanh thu 29,6% lên khoảng 15,3 triệu USD. BHR đánh giá đây là kết quả của lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng lên. Kết quả là RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng) tăng 32%, lên khoảng 72,75 USD.

Tới năm 2017, doanh thu của Sheraton tăng 11% lên 15,8 triệu USD. Có được điều này là do công suất phòng cao hơn. Tỷ lệ lấp đầy phòng tăng lên 87,4%, nhờ đó, RevPAR đã tăng 15,1% lên 38,75 USD.

Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 7

Công suất phòng tiếp tục được cải thiện trong năm 2018 lên 89,2%. Kết quả là, tổng doanh thu phòng của khách sạn đã tăng 12,8% lên 10,3 triệu USD từ 9,15 triệu USD. Sheraton được hỗ trợ bởi sự gia tăng của lượng khách quốc tế và khách đi nghỉ trong nước. Nhìn chung, tổng doanh thu của khách sạn đã tăng 5,1% lên khoảng 16,6 triệu USD.

Trong năm 2018, Sheraton đông khách hơn các resort khác của BHR rất nhiều. Hệ thống khách sạn và nghỉ dưỡng nước ngoài (ngoài Malaysia, bao gồm Việt Nam) chỉ đạt công suất trung bình 73,9%. Con số này khiêm tốn nhưng đã tăng đáng kể so với 70,7% của năm 2017.

BHR cho biết việc đặt phòng qua đêm của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở nước ngoài chủ yếu được hỗ trợ bởi thị trường du lịch giải trí. Khách hàng đến từ phân khúc khách du lịch tự do, khách lẻ, khách thương mại.

Khách sạn Sheraton Hà Nội: Doanh thu thụt lùi cả thập kỷ - 8

Khách sạn Sheraton Hà Nội đã tạo ra tổng doanh thu 78,9 triệu RM (19,7 triệu USD) trong năm 2019. Có được điều này là do tăng trưởng tích cực trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Còn phòng khách sạn lại có xu hướng đi lùi khi tỷ lệ đặt phòng thấp trong 9 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do nhu cầu của doanh nghiệp giảm. Tỷ lệ lấp đầy của Sheraton ghi nhận 82,9%.

Như vậy, có thể thấy, doanh thu tại Sheraton Hà Nội vẫn kém xa 44 triệu USD có được trong năm 2007. Và trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tấn công toàn cầu, doanh thu Sheraton Hà Nội có lẽ không tránh khỏi bị sụt giảm sâu.

(Theo Dân Trí)