Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tính đến tháng 3 năm nay, TP.HCM có 2.043 xe buýt tham gia hoạt động trên 127 tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Dù là phương tiện giao thông công cộng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí đi lại, hạn chế tác động thời tiết bên ngoài, cơ thể không bị tác động của khói bụi, nhiều người vẫn không sử dụng. Lý do chính là nhiều lộ trình không thuận tiện, tốn thời gian, nhất là vào khung giờ cao điểm.

Ông Lê Văn Thuận (47 tuổi) đã quá quen với tuyến xe buýt số 10 mỗi lần đi khám bệnh tại bệnh viện Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2). "Bình thường, thời gian di chuyển của tôi đến điểm cuối gần 2 tiếng nhưng vào giờ cao điểm phải lên đến 3 tiếng. Sau đó tôi bắt thêm chuyến xe khách về An Giang thì phải tới 3 - 4h sáng hôm sau tôi mới tới nhà", ông Thuận kể.

Những chiếc xe buýt mắc kẹt giữa hàng dài phương tiện vào giờ cao điểm ở TP.HCM là điều thường thấy mỗi ngày, đặc biệt là ở các tuyến đường hướng tâm, trục ra vào sân bay, cảng biển.

Xe buýt chen chúc giữa dòng ô tô, xe máy vào giờ tan tầm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).

Nhiều người đi xe máy len lỏi trên vỉa hè, lách qua hàng dài ô tô, tạt đầu xe buýt khiến giao thông giờ cao điểm rối như mớ bòng bong.

Xe buýt mắc kẹt ở các tuyến đường Cộng Hòa, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách Mạng Tháng Tám,...

Vào giờ cao điểm, nhiều xe buýt khó khăn trong việc dừng đón, trả khách. Phụ xe liên tục vẫy tay ra hiệu cho khác phương tiện khác tránh, còn hành khách phải chạy thật nhanh chân để trèo lên.

Di chuyển lâu do kềnh càng, chiếm nhiều diện tích lòng đường, nhiều hành khách sử dụng phương tiện này tuy cảm thấy ngán ngẩm nhưng cũng không còn cách nào khác.

Theo thống kê của thành phố, với hơn 110.000 xe máy, 30.000 ôtô tăng thêm mỗi năm, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện giao thông công cộng chủ lực của TP.HCM nhằm kết nối với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên sắp hoạt động.

Theo lộ trình chuyển đổi, năm 2030 thành phố sẽ có 20-25% xe buýt chạy bằng điện. Số còn lại được chuyển sang dùng nhiên liệu sạch như CNG, LNP... Để đạt mục tiêu trên, 750 trạm sạc công cộng sẽ được đầu tư, cùng những chính sách ưu đãi tài chính để thu hút doanh nghiệp vận tải tham gia. Song song đó, hệ thống buýt mini cũng được triển khai nhằm dễ tiếp cận người dân ở các tuyến đường, hẻm nhỏ.

Trả lời chất vấn trước HĐND TP.HCM ngày 11/7, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu sử dụng thẻ, vé điện tử cho toàn bộ xe buýt vào năm 2025. Hình thức thanh toán này giúp thành phố quản lý giá cước linh hoạt, thuận tiện cho khách, kích thích nhu cầu sử dụng giao thông công cộng. Người dân thay vì phải mua vé thủ công có thể đa dạng thanh toán điện tử.