"Hai bên tựa như hai con tàu tăng tốc hướng vào nhau mà không bên nào chịu nhường đường" - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã miêu tả như vậy về căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay.
Cuối tuần trước, con tàu Mỹ đã kéo còi khi Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố rằng đã hết rồi cái thời Washington "kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, nước này đang xem xét mọi lựa chọn, kể cả tấn công quân sự.
Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố Mỹ không loại trừ dùng vũ lực để ngăn chặn Triều Tiên. (Ảnh: Financial Review) |
Theo báo Financial Times, thông điệp mà ông Tillerson đưa ra phản ánh sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ rằng cần phải chặn đứng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng được tin là đang tiến gần tới mức phát triển được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể bắn tới bờ biển phía tây nước Mỹ. Sẽ không một tổng thống nào ở Washington có thể chấp nhận viễn cảnh này.
Ngụ ý trong thông điệp của ông Tillerson là, nếu Mỹ không thể chặn Triều Tiên thông qua áp lực ngoại giao và kinh tế thì nước này buộc phải dùng vũ lực. Tuy nhiên, ý tưởng nã bom để diệt chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vô cùng nguy hiểm. Trong 20 năm qua, Mỹ liên tục cân nhắc khả năng này nhưng chưa bao giờ lựa chọn.
Các chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên được phân tán rộng rãi, cả dưới lòng đất và dưới đáy biển sâu. Vì vậy một đợt tấn công đơn lẻ sẽ có nguy cơ nhận sự đáp trả hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, Triều Tiên có sức mạnh pháo binh truyền thống rất lớn. Hàn Quốc, Nhật Bản có thể hứng đòn tấn công bằng tên lửa, pháo từ Triều Tiên, và các căn cứ của Mỹ trong khu vực cũng vậy.
Với lý do đó, Mỹ khó mà nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh then chốt ở châu Á về ý tưởng tấn công phủ đầu Triều Tiên. Tokyo và Seoul biết rõ rằng, một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên có thể cướp mạng sống của hàng triệu người. Nó cũng có thể lôi kéo Trung Quốc vào cuộc, một viễn cảnh gợi nhớ lại hình ảnh cuộc chiến Triều Tiên những năm 1950. Vì vậy, ý nghĩ Mỹ "không thể dung thứ" một ICBM mang hạt nhân của Triều Tiên cần phải thay đổi.
Từ những năm 1960, Mỹ đã sống với sự nhận biết rằng Nga có các tên lửa hạt nhân. Ngày nay, Mỹ và các đồng minh cũng phải chấp nhận chuyện Pakistan đang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một số ý kiến cho rằng, trường hợp Triều Tiên là khác biệt vì nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhất quán trong mọi hành động và quyết tâm cao độ trong việc bảo vệ đất nước. Điều đó giải thích vì sao ông Kim Jong Un tìm mọi cách đạt được một lá chắn hạt nhân cho Triều Tiên. Và với lý lẽ đó, cấm vận kinh tế dù nặng nề đến mấy cũng khó mà thuyết phục được ông từ bỏ ham muốn phát triển hạt nhân.
Điều đó không có nghĩa là Mỹ phải chấp nhận rằng Triều Tiên sẽ đạt được năng lực hạt nhân ở mức đe dọa tận California. Nhưng cách tốt nhất để giải quyết mối nguy này là thông qua ngoại giao và kinh tế, chứ không thể bằng vũ lực.
Chính quyền Mỹ đánh giá Trung Quốc đang nắm trong tay chìa khóa cho vấn đề Triều Tiên. Chắc chắn về kinh tế, Triều Tiên phụ thuộc vào người láng giềng phía bắc. Trung Quốc mới đây cũng đã tỏ ý muốn thắt chặt cấm vận lên Triều Tiên, bằng cách dừng nhập khẩu than.
Có thể có tác dụng khi gây sức ép kinh tế lên Triều Tiên về ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, một cách tiếp cận tốt hơn cần được khai thác để đạt tới một thỏa thuận, theo đó đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên để đổi lấy trợ giúp về kinh tế. Đó chính là những gì mà John Delury - một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên - gọi là "cú mặc cả lớn".
Theo Financial Times, bất kỳ giải pháp ngoại giao nào với Triều Tiên sẽ đều phải được thực hiện bí mật, và có thể phải được Trung Quốc ủng hộ. Nhưng các nỗ lực đạt được "cú mặc cả lớn" với Bình Nhưỡng vẫn có thể thất bại.
Và nếu ngoại giao không thành công, lựa chọn đúng đắn vẫn là không phát động chiến tranh. Mỹ sẽ vẫn phải sống với mối đe dọa về vũ khí hạt nhân Triều Tiên như đã từng trải nghiệm trong quá khứ. Nếu không, hai nước sẽ tiến đến một vụ đâm tàu thảm khốc.
Thanh Hảo