- Bạo lực gia đình “tinh vi” dẫn nhiều gia đình đến đường ly hôn, thậm chí đẩy nhiều gia đình Việt đến những vụ án hình sự đáng tiếc. Điều gì sinh ra bạo lực gia đình, thậm chí còn là bạo lực một cách “ác liệt” như vậy?

Tin bài liên quan:


Luật sư Nguyễn Văn Hà- Trưởng văn phòng luật sư Hà Lan (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) là người thường xuyên tham gia công tác trợ giúp pháp lý cho Sở Tư pháp TP. Hà Nội. Với nhiệt tình lăn lộn với thực tế sống của một luật sư, anh kể những câu chuyện có thật và có lời khuyên cụ thể với người trong cuộc liên quan đến bạo lực gia đình.

Đường đến án ly hôn

Vào một ngày đẹp trời, có anh Khoa (tên nhân vật đã được thay đổi) tìm đến văn phòng của luật sư Hà xin tư vấn. Anh Khoa tuổi hơn 50, làm kiến trúc sư, vốn là người hiền lành chất phác. Anh lấy một cô vợ kém mình 12 tuổi. Về đời sống hằng ngày thì giữa hai vợ chồng rất hợp nhau, chỉ riêng chuyện cuộc sống gối chăn thì anh Khoa cảm thấy như là gánh nặng. Anh không thể chiều vợ nhiều hơn bởi khả năng… có hạn của người đàn ông luống tuổi.

Bạo lực gia đình (Ảnh minh họa)

Vợ anh trẻ hơn anh 12 tuổi, ham muốn của chị liên tục. Ban đầu khi anh Khoa đến xin tư vấn, luật sư Nguyễn Văn Hà khuyên về chia sẻ nhiều hơn với vợ, trên trên quan điểm tình cảm để cả hai tìm điểm chung. Nhưng nhu cầu vợ chồng là điều vô cùng khó nói. Việc người vợ nài nỉ, thậm chí là cưỡng bức… làm anh Khoa không thể chịu đựng.

Luật sư Hà phân tích: Việc cưỡng ép quan hệ tình dục cũng là một hành vi bạo hành, dù người phụ nữ là người ép buộc. Thực tế vẫn có những câu chuyện như vậy, nhưng dù luật sư có khuyên nhủ thì phần lớn trong số đó thường khó tìm lại được tiếng nói chung. Vợ chồng anh Khoa cũng vậy, sau khoảng 5 tháng, vợ chồng họ thuận tình ly hôn.

Nhỏ nhẹ mà nhức nhối

Có một thực tế về bạo lực gia đình mà luật sư Hà không thôi trăn trở là bạo lực về tinh thần. Nó nhỏ nhẹ như những lời nhiếc mắng hằng ngày của vợ dành cho chồng hoặc ngược lại nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến việc ly hôn.

Một vụ việc ở Gia Lâm mà anh Hà từng tham gia trợ giúp pháp lý. Anh chồng tên Hải là người hiền lành, tâm lý. Anh đi đâu cũng được các chị em quấn quýt trò chuyện vì anh ăn nói nhẹ nhàng lại có duyên. Chị vợ tên Kim lại là người đa nghi. Thấy chồng mình được nhiều người phụ nữ vây quanh, chị luôn nghi ngờ chồng.

Anh Hải làm việc trong một cơ quan nhà nước lại yêu vợ nên ban đầu anh mặc kệ vợ dò xét, điều tra. Bởi vì thấy anh Hải im lặng, chị Kim lại càng nghi ngờ. Chị Kim kiểm tra điện thoại, giữ điện thoại khi chồng ở nhà và chỉ trả lại khi chồng đi làm. Khi chồng đi làm chị Kim kiểm tra cả lịch trình, thời gian gặp đối tác, giờ nghỉ trưa…

Cuộc hôn nhân của anh Hải chị Kim đến hồi nghiêm trọng khi chị Kim đem cả gia đình anh Hải vào câu chuyện để nhiếc mắng, gọi chồng là đồ này, đồ nọ… Lâu ngày, thái độ và những câu đay nghiến của chị Kim tích tụ khiến anh Hải suy nghĩ. Có lần vì đi làm về mỏi mệt, vợ lại ở đầu giường đay nghiến, dò xét, gán ghép… Tức giận anh Hải tát vợ. Ở đây, vợ gây bạo lực tinh thần cho chồng và chồng gây lại cho vợ bằng bạo lực thể xác. 

Luật sư Nguyễn Văn Hà khuyên: Những người trong cuộc nên tự trang bị cho mình thêm những kiến thức pháp luật để biết và lên tiếng khi mình bị rơi vào tình trạng bị xâm hại.

Luật sư Hà dẫn chứng một vụ việc khác liên quan đến những rạn nứt của gia đình. Có không ít những người vợ, người chồng khi thấy người bạn đời của mình ngoại tình thường “tha thứ”, họ không ra tòa, không làm ầm lên nhưng họ yêu cầu người bạn đời mình viết bản kiểm điểm, thú nhận ngoại tình rồi ghi âm và sao chép lại. Khi vợ chồng có xích mích nhỏ họ bắt đem ra đọc như một “tội nhân”.  Điều đó là một thứ bạo hành tinh thần một cách tinh vi, nỗi thống khổ về tinh thần ấy, đau đớn hơn bất cứ nỗi thống khổ nào trong gia đình.

Hải và Kim sau một thời gian ngắn thì ly hôn. Những cuộc ngoại tình được “tha thứ” ấy cũng không giữ được hôn nhân… Đường đến việc ly hôn cũng là tất yếu.

Đường đến những vụ án hình sự

Bạo hành xâm phạm vào mối quan hệ hình sự chuyển thành một tội khác là tội cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người.

Một vụ việc ở Hà Nam, chị Thanh nghi ngờ chồng mình là anh Tuấn có mối quan hệ với chị Hường nên thường xuyên mang cả chồng và “bồ của chồng” ra để chửi. Nghĩ vợ mình “điên” nên anh chồng không thèm chấp. Thấy chồng im lặng, chị Thanh lại càng khép tội. Một buổi sáng sau khi đi chợ về chị Thanh đã trực tiếp đến nhà chị Hường để tìm chồng. Khi đến, chị Thanh phát hiện chồng mình ở đó thật, chị lớn miệng chửi bới. Vì tức giận vợ, anh Tuấn trói vợ lại, buộc đằng sau xe máy và kéo lê khắp làng… Chị vợ được người làng giải cứu nhưng trong tình trạng thương tích rất nặng, bầm mặt, gẫy xương sườn. Ra tòa, chắc chắn vụ việc trên sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề bạo lực gia đình.

Một ví dụ khác: Hai vợ chồng nhà này đã ly hôn. Chỉ vì gia đình vợ cố tình cản ngăn không cho chồng về thăm con mà khi nóng giận anh chồng đã cầm dao đâm người anh vợ. Từ những nguyên cớ nhỏ nhặt trong gia đình, đã sinh chuyện người ta đâm chém nhau. Luật sư Hà thở dài đáng tiếc “Bạo lực, cứ như hòn đá ném qua rồi lại ném lại nhưng hậu quả lại đau đớn hơn”.

Bà Bạch Thị Phương Nguyệt (Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Hà Nội) cũng là người có nhiều thực tế về những vụ việc như trên. Trao đổi về vấn đề này bà Nguyệt đúc kết: Trong 100 vụ bạo hành, có tới 98 vụ là người trong cuộc không dám công khai. Vì đàn ông vốn tiếng sĩ diện, còn phụ nữ bị bạo hành cũng thường nghĩ vì con mà im lặng… Trong luật phòng chống bạo hành gia đình yêu cầu, trong trường hợp có bạo hành, người trong cuộc phải làm đơn tố cáo. Nhưng sự thực thì chẳng ai muốn tố cáo vợ hoặc chồng mình, cho đến khi mọi việc quá sức chịu đựng và gây hậu quả đáng tiếc”.

Cả bà Nguyệt và luật sư Hà đều khuyên những người trong cuộc tự trang bị cho mình thêm những kiến thức pháp luật để biết và lên tiếng khi mình bị rơi vào tình trạng bị xâm hại về thể xác cũng như tinh thần.

T. Phan