- 20 tỷ USD là con số mà các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ đạt được trong làn sóng M&A trong 4 năm tới. Trong đó, Nhật Bản nổi lên là một đối tác chiến lược đầy tiềm năng khi 3 năm qua trở thành nhà đầu tư ngoại có nhiều thương vụ M&A thành công nhất tại Việt Nam.
Nhà đầu tư Nhật cũng ngóng hàng cổ phần hoá
Chia sẻ tại cuộc họp báo về diễn đàn M&A Việt Nam diễn ra tại TP.HCM vào tháng 8, Recof, một công ty chuyên tư vấn về M&A lâu đời và lớn nhất của Nhật Bản, chia sẻ: "Một nửa trong các danh mục thông tin thúc đẩy giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) của chúng tôi là các thương vụ tại Việt Nam, chủ yếu ở lĩnh vực phi ngân hàng, vận tải, công nghệ, khách sạn, bán lẻ...
Ông Yosida, chủ tịch Công ty Recof đánh giá: "Các DN Nhật rất quan tâm với Việt Nam. Họ tin rằng, làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam sẽ được hình thành mạnh mẽ bởi chính sách cổ phần hoá DNNN hiện nay của Chính phủ".
Ông cho biết, năm 2011 có 18 thương vụ M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản, năm 2012 có 17 thương vụ nhưng đến năm 2013, con số này là 20 thương vụ. Đây là con số cao nhất trong lịch sử M&A giữa hai nước. Song, tính đến cuối tháng 6/2014, tốc độ có vẻ chậm khi chỉ có 4 thương vụ được công bố thành công".
Công ty này dự báo, nếu tính trung bình mỗi năm, có 18 thương vụ M&A thành công giữa hai nước thì thời gian tới, không có lý do gì ngạc nhiên nếu thị trường này có thể đạt tới 30 vụ hoặc hơn thế vào năm 2016.
Các thương vụ M&A ấn tượng với Nhật Bản, có thể thấy như năm 2012 ở vụ Bank of Tokyo - Mitsubishi mua 20% số cổ phần của VietinBank, trị giá 743 triệu USD, công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo Life mua lại 18% cổ phần của Bảo Việt từ Ngân hàng HSBC, tổng trị giá 341 triệu USD.
Gần đây nhất, một đối tác Nhật Bản lớn đã quyết tâm đầu tư vào Vinatex và đang chọn phương thức giao dịch M&A với tập đoàn này. Đây là một trong vô số các cuộc gặp one-one giữa các DN Nhật và các DN Việt Nam kể từ sau hội nghị kêu gọi vốn đầu tư nhằm thúc đẩy cổ phần hoá DNNN của Việt Nam, do Bộ Tài chính tổ chức tại Nhật hồi tháng 4 năm nay.
Bộ này cho biết, hầu hết các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư Nhật Bản hiện cũng chiếm tỷ trọng rất lớn, 40% trong tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trên TTCK Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam là nơi diễn ra các hoạt động M&A lớn thứ hai của Nhật Bản tại châu Á. Ngược lại, Nhật chính là đối tác giao dịch M&A lớn nhất của Việt Nam trong hàng chục các nhà đầu tư quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, ông Yosida, Chủ tịch Công ty Recof cũng than phiền: "Việt Nam là thị trường khó khăn nhất mà tôi từng trải qua khi làm việc với các thương vụ M&A quốc tế". Khó khăn nhất là thủ phục pháp lý phức tạp. Khi làm việc với các DNNN, hầu hết các DN Nhật đều muốn đấu giá cổ phần ở quy mô mô nhỏ hơn, có ưu tiên đặc biệt hơn để họ có thời gian tìm hiểu kỹ hơn.
Nhà nước sẽ thu về gần 5 tỷ USD
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nói: "Chương trình CPH DNNN vừa được Chính phủ thông qua với việc cổ phần hoá 432 tổng công ty và doanh nghiệp lớn trong hai năm 2014-2015 đang mở ra những cơ hội mới cho thị trường M&A. Làn sóng mới M&A sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công chương trình này".
Minh chứng cho nhận định trên, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty tư vấn AVM đồng tổ chức Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam, thống kê: "Nếu các thương vụ của 7 DN lớn đang cổ phần hoá tới đây thành công thì sẽ đem lại cho Nhà nước khoảng 4,79 tỷ USD. Mặc dù có nhiều thách thức và điều kiện để đạt con số này, nhưng qua cập nhật nghiên cứu, cơ hội tăng trưởng các hoạt động và giá trị M&A từ cổ phần hoá là rất lớn".
Ông Minh liệt kê, PV Gas có vốn hoá thị trường là 9,3 tỷ, nếu bán cho nhà đầu tư chiến lược 25% thì số tiền Nhà nước thu về sẽ đạt hơn 2 tỷ USD. Hay vụ của Mobiphone đang được định giá khoảng 3,4 tỷ USD, nếu bán 25%, Nhà nước sẽ thu về khoảng 850 triệu USD. Hoặc các vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của BIDV, Sabeco, Vietnam Airlines cũng hứa hẹn mang về hàng trăm triệu USD đến tầm cỡ 1 tỷ USD cho mỗi thương vụ.
"Đây có thể là các thương vụ M&A lớn tiêu biểu cho làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam", ông Minh nhận định.
Giai đoạn năm 2008-2013, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong giai đoạn này đã tăng trưởng 5 lần, từ 1 tỷ USD năm 2008 với các thương vụ đơn lẻ đã tăng lên quy mô lên 5 tỷ USD trong năm 2013. Tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm này đã đạt 15 tỷ USD.
Theo đánh giá của các nhóm nghiên cứu MAF, Merger Market và IMAA, con số 5 tỷ USD đạt được trong năm ngoái đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho sự phát triển các hoạt động M&A ở Việt Nam.
Tuy nhiên, năm nay, quy mô các giao dịch M&A sẽ giảm nhẹ, có thể chỉ đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Nhưng với tín hiệu mạnh mẽ từ quá trình IPO các DN lớn, dự báo cho cả giai đoạn từ nay đến 2018, quy mô thị trường này có thể đạt tới 20 tỷ USD, tăng tới 33% so với giai đoạn vừa qua.
"Hiện, nhiều thương vụ lớn vẫn đang trong quá trình đàm phán, trong đó các DNNN lớn vẫn đang chờ đợi tín hiệu từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi kỳ vọng làn sóng M&A thứ hai sẽ mạnh mẽ và sôi động trở lại vào năm 2015-2016", ông Minh nhấn mạnh.
Phạm Huyền