- "Chúng ta mang tên huyện nhưng diện mạo của quận, mang tính chất trung tâm đô thị tầm cỡ quốc gia. Mặc áo huyện là kìm hãm sự phát triển", Chủ tịch UNBD huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Tứ nói.

Thông tin trên ông Tứ nói vào sáng 5/12, tại kỳ họp bất thường HĐND huyện Từ Liêm (Hà Nội) thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận mới với 23 phường.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thư, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết, sau một tuần lấy ý kiến, tỷ lệ hộ dân đồng ý với đề án rất cao, đạt 99,9%.

{keywords}
Lãnh đạo huyện Từ Liêm khẳng định lộ trình tạch quận được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận

Trong đó có 90,5% hộ dân đồng ý tên gọi 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Duy chỉ có 4/16 xã, thị trấn không đồng ý với tên phường trong đề án.

Cụ thể, người dân đề xuất đổi phường Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2 thành phường Đông Ngạc và Đức Thắng; Xuân Đỉnh 1, 2 thành Xuân Đỉnh và Xuân Tảo; Phú Diễn 1, 2 thành Phú Diễn và Phúc Diễn; Xuân Phương 1, 2 thành Xuân Phương và Phương Canh.

HĐND huyện đã xem xét và thông qua những đề xuất này.

Tại kỳ họp, có 6 đại biểu nêu ý kiến, trong đó 5/6 đại biểu cho rằng, đề án này phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của nhân dân.

Riêng đại biểu Nguyễn Hữu Kiên (Đại biểu tổ 8) đặt ra nhiều câu hỏi và đề nghị được làm rõ.

Ông Kiên hỏi: "Tại sao trong suốt 7 năm, huyện vẫn trình đề án cũ, trong khi 7 năm là một bước phát triển khác biệt. Và tại sao từ 28/11- 6/12 lại phải quyết ngay, như thế có gấp không?".

"Đề án dày 78 trang, mà giao cho chúng tôi từ 8h kém 5 thì chúng tôi không thể đọc hết được. Tôi chỉ xem được một ít số liệu, trong đó thấy đơn cử như mật độ dân cư vẫn chưa đủ đáp ứng theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP. Mật độ cần được chia trên toàn diện tích tự nhiên, chứ không thể trừ diện tích mặt nước. Đề án này chỉ đúng nếu đưa cả Từ Liêm hiện tại lên thành một quận. Còn nếu tách thành 2 quận, thì phải xem các chỉ tiêu từng quận xem có đủ đáp ứng các điều kiện hay không?", ông Kiên nói.

Ngoài ra, theo ông Kiên, đề án chưa chỉ ra được nếu tách quận, sẽ phải xây mới thêm bao nhiêu công trình, bao nhiêu trụ sở, VKS mới, tòa án mới... ?

Chưa nói tới việc giấy tờ người dân có phải thay đổi không... Tổng tiền thực hiện đề án này là bao nhiêu? Quyết toán năm 2012 của huyện Từ Liêm là trên 562 tỷ cho chi phí thường xuyên, thì tách 1 quận có tương đương con số này không?

"Nếu tách thành 2 quận, phình ra bộ máy 500-700 cán bộ. Chúng ta đang làm chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, sao càng cải cách lại càng phình ra?", ông Kiên đặt câu hỏi.

Từ thực tiễn thế giới và trong nước, ông Kiên cho rằng đề án tách địa giới thành 2 quận 'mang tầm nhìn Từ Liêm'.

Ông Kiên đề xuất, phương án 1: Tách 1 số xã giáp ranh về các quận lân cận như Tây Hồ (8 phường), Cầu giấy (8 phường), Thanh Xuân (11 phường), phần còn lại lập quận Từ Liêm.

Phương án 2: Đưa toàn bộ huyện Từ Liêm lên quận. 550.000 người dân, tại sao lại không quản lý được? Nếu cứ tăng người lên là phải tăng cán bộ, thế thì nguy quá! Năng lực cán bộ nếu không đáp ứng được chúng ta tổ chức thi tuyển.

Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Nguyễn Hữu Kiên, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ dẫn một số số liệu cho biết, Từ Liêm có đủ các điều kiện để lên quận.

{keywords}

Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên đặt nhiều câu hỏi xung quanh Đề án tách địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận mới.

Cụ thể, cơ cấu thương mại, công nghiệp, dịch vụ hiện chiếm 98,37%, nông nghiệp còn dưới 1%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cũng đã chiếm 90,8%. Trong năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng.

Trên toàn địa bàn huyện có 6.000 doanh nghiệp hoạt động. Trong khi các xã hiện có tốc độ đô thị hóa rất cao, có xã quy mô dân số trên 77.000 người như Cổ Nhuế mà chỉ có hơn 20 cán bộ quản lý...

Trên địa bàn có tòa nhà cao nhất Việt Nam, đứng thứ 17 thế giới mà vẫn nằm trên địa bàn thôn, huyện, có những khu chung cư, sân vận động... hiện đại nhất cả nước.

Ông Tứ cũng giải thích thêm, trong những năm gần đây, thu ngân sách của huyện rất lớn. Năm 2011 đạt gần 3.000 tỷ đồng, năm 2012 đạt trên 2.612 tỷ, năm 2013 dự kiến là 2.473 tỷ, nhưng do là đơn vị cấp huyện, nên chỉ được chi ngân sách theo chế độ lần lượt là 1.467 tỷ, 1.982 tỷ và 1.325 tỷ.

"Chúng ta mang tên huyện nhưng diện mạo của quận, mang tính chất trung tâm đô thị tầm cỡ quốc gia. Mặc áo huyện là kìm hãm sự phát triển", ông Tứ nói.

Nói về lộ trình chuẩn bị tách quận, ông Tứ cho biết, từ khi chuẩn bị (2006) đến nay, đề án liên tục được cập nhật, thậm chí còn dự báo được cả sự phát triển của huyện Từ Liêm trong tương lai.

"Do đó có thể nói, đề án này đã được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận, không có chuyện bất ngờ. Đây là ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đề án này mang tầm nhìn khu vực", ông Tứ nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc kỳ họp, các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính huyện.

Kết quả, 32/33 đại biểu có mặt đồng ý với đề án.

Ngay trong ngày 5/12, huyện Từ Liêm sẽ tiếp tục báo cáo Nghị quyết này trước HĐND TP.Hà Nội.

Thúy Hạnh