Khai phá nhiều thị trường mới
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu, nhiều doanh nghiệp công nghệ số vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, Canada..., doanh nghiệp công nghệ số Việt mạnh dạn khai phá nhiều thị trường mới. Có doanh nghiệp đặt chân lên đất Pháp để mở rộng cánh cửa vào thị trường Châu Âu. Có doanh nghiệp mở văn phòng mới tại Thái Lan, Singapore…
“Hong Kong (Trung Quốc) là một điểm đến khá hấp dẫn, nhiều tiềm năng. Mới đây, khi chúng tôi tiếp xúc với đại diện Invest Hongkong – cơ quan của Chính phủ Đặc khu Hành chính Hong Kong chịu trách nhiệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thành lập và mở rộng tại Hong Kong, họ nói quỹ của họ có thể hỗ trợ 1 triệu USD cho doanh nghiệp đăng ký tại đây.
Các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc startup khi đăng ký hoạt động tại Hong Kong sẽ được hỗ trợ tối đa về văn phòng và nhiều thứ khác. Họ rất mong các doanh nghiệp Việt sang đó cùng làm ăn. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt vẫn đang ngần ngại về những khó khăn hiện hữu như môi trường pháp lý, ngôn ngữ tiếng Trung…”, TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ thông tin với VietNamNet.
Sang Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh cũng là một xu hướng mới của doanh nghiệp công nghệ số Việt. “Đã có một vài doanh nghiệp khai phá thị trường Hàn Quốc rồi”, ông Tuyên cho hay.
Hơn chục năm đồng hành với doanh nghiệp công nghệ số Việt trên hành trình “vươn ra biển lớn”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuyên nhận thấy, giá nhân công vẫn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt so với các đối thủ quốc tế.
Cùng với đó, người Việt tính cách hòa nhã, nhẫn nhịn, chịu khó học hỏi, dễ tạo thiện cảm với đối tác. Ngay cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, một khi đã chinh phục được khách hàng thì “tiếng lành đồn xa”, không chỉ những khu vực trung tâm như Tokyo mà cả những tỉnh lẻ như Fukuoka hay Kanagawa, chính quyền địa phương đều sẵn sàng mở cửa chào đón.
Thêm “điểm cộng” nữa, trong khi ở nhiều thị trường lớn đồng thời là cường quốc công nghệ như Mỹ, Nhật Bản…, lực lượng làm công nghệ đã trở nên già hóa, ngại tiếp xúc công nghệ mới, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp Việt chủ yếu là người trẻ, tiếp cận công nghệ mới rất nhanh. Đây là ưu thế cạnh tranh để “bứt tốc” mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, hành trình vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp Việt vẫn còn đó không ít khó khăn.
Đơn cử vấn đề cơ sở hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp dù rất muốn song chưa thể lập được văn phòng, trụ sở tại thị trường ngoại, phải thuê khách sạn làm nơi giao dịch, rất khó thuyết phục khách hàng tin tưởng hợp tác. Hiếm doanh nghiệp có đủ nguồn lực để làm như NTQ hay FPT: đặt trụ sở chính tại Tokyo (Nhật Bản), khẳng định thương hiệu Việt đủ tầm cạnh tranh với cả loạt “ông lớn” công nghệ.
Visa lao động là một “bài toán khó” khác. Không ít thị trường ngoại yêu cầu doanh nghiệp Việt muốn hoạt động kinh doanh, nhân sự của doanh nghiệp phải có visa lao động, chứ không phải visa du lịch. Nếu vi phạm không chỉ bị phạt mà còn mất hết uy tín.
“Tôi biết không ít doanh nghiệp cần chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để cùng làm việc với team (đội ngũ) Việt Nam, đồng thời cũng muốn đưa team Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài. Cả hai chiều đều phải mất kha khá thời gian để xin cấp visa lao động. Muốn giải “bài toán” này, cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, tổ chức liên quan”, ông Tuyên băn khoăn.
Ngoài ra, doanh nghiệp công nghệ số Việt cần cải thiện hơn nữa về khả năng ngoại ngữ cũng như sự linh hoạt thích ứng văn hóa bản địa theo kiểu “nhập gia tùy tục”.
Cổ vũ doanh nghiệp Việt ra thế giới
Nhằm cổ vũ, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài, Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tiếp tục duy trì hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài”.
Lần thứ hai vinh danh hạng mục này, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung “doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài nhưng do người Việt sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần” vào đối tượng dự thi.
Ông Tuyên lý giải: Giải thưởng năm trước chỉ dành cho doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, nhưng năm nay sẽ tôn vinh cả những doanh nghiệp do người Việt thành lập ở nước ngoài.
Bởi trên thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt phát triển được mạng lưới “chân rết” tại đa quốc gia, và mỗi thị trường lại có những sản phẩm, dịch vụ đặc thù để phục vụ nhóm khách hàng riêng.
Đặc biệt, từ khi có chủ trương “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp công nghệ số bắt đầu chú trọng hơn tới việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế. Điển hình như NTQ Solution phát triển hơn 20 sản phẩm “Made by NTQ” hay hệ sinh thái “công nghệ “Made by FPT” được khách hàng ngoại đánh giá cao…
“Bên cạnh chủ trương “Make in Vietnam” – khuyến khích nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, xu hướng “Made by Vietnam” bắt đầu nổi lên từ cuối năm ngoái, đầu năm nay, khi ngày càng đông doanh nghiệp công nghệ số Việt nuôi tham vọng “cắm cờ Việt Nam trên khắp thế giới” bằng các sản phẩm do người Việt nghiên cứu phát triển, sản xuất cả ở trong nước cũng như nước ngoài. “Made by Vietnam” đã và đang được nhiều bộ, ngành như Công Thương, Khoa học và Công nghệ quan tâm, ủng hộ”, ông Tuyên phân tích.
Với quy định mới trong Giải thưởng “Công nghệ số Make in Vietnam 2024”, FPT Japan, FPT Korea, FPT Malaysia… nếu có sản phẩm xuất sắc có thể gửi thẳng hồ sơ dự thi về Ban Tổ chức, không cần phải thông qua Tập đoàn FPT như trước.
Những sản phẩm công nghệ số đạt giải cao sẽ tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối, hỗ trợ tham gia giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Công nghệ số ASEAN, Giải thưởng Công nghệ thông tin truyền thông Châu Á – Thái Bình Dương…
Từng tham gia hội đồng giám khảo một số giải thưởng quốc tế, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuyên thẳng thắn nhìn nhận: “Nói một cách khách quan và công bằng thì vẫn có một số điểm mình còn hạn chế hơn các đối thủ ngoại. Cũng là AI (trí tuệ nhân tạo) nhưng trình độ của các doanh nghiệp Singapore có sự vượt trội hơn. Hoặc các doanh nghiệp Thái Lan mạnh hơn về nội dung số, game (trò chơi)... Lợi thế của chúng ta có lẽ là quy mô, thị trường. Một số giám khảo quốc tế nói với tôi rằng họ phục Việt Nam lắm, hiện tại Malaysia không có doanh nghiệp phần mềm nào trên 20.000 người như FPT”.
Cách đây vài năm, khi tham gia giải thưởng quốc tế, không ít doanh nghiệp Việt không biết cách thuyết trình nên mất điểm một cách đáng tiếc. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, những lỗi cơ bản về hồ sơ, kỹ năng thuyết trình… đã dần được khắc phục. Danh mục sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” được vinh danh giải Vàng, giải Bạc của các giải thưởng khu vực/quốc tế đang tiếp tục dày hơn.
“Tại Giải thưởng Công nghệ số ASEAN năm 2024, đoàn Việt Nam tham gia 4 sản phẩm tại 3 hạng mục, đạt số lượng giải cao nhất với 2 giải Vàng và 2 giải Bạc, đứng đầu toàn đoàn trong tất cả 10 quốc gia ASEAN. Điều đó không chỉ tăng uy tín cho sản phẩm “Make in Vietnam” của doanh nghiệp công nghệ số Việt mà còn khiến cộng đồng thế giới hiểu rằng Việt Nam không chỉ biết làm lúa gạo mà còn làm tốt cả sản phẩm công nghệ số. Đây cũng là một cách thức hiệu quả giúp xây dựng thương hiệu và hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài”, ông Tuyên nhấn mạnh.
“Phong trào “Make in Vietnam” do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng từ năm 2020 đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, được nhiều giải thưởng uy tín của khu vực và được thế giới vinh danh. Doanh nghiệp cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái, cùng nhau đi ra nước ngoài thay vì đi riêng lẻ”, TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông nhận định. |