Vùng biển hòa bình và thương mại
Theo báo New Straits Times, trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Ngoại trưởng Hishamuddin Hussein khẳng định, Malaysia duy trì lập trường rằng tất cả các bên cần hợp tác để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Malaysia. Ảnh: Nst |
Theo ông, các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc đã luật pháp quốc tế thừa nhận, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Ngoại trưởng Malaysia cho biết, Kuala Lumpur hy vọng các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phản ánh rõ quyền và lợi ích của tất cả các bên.
Đề cập đến quan điểm của Malaysia đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông, ông Hishamuddin cho hay, Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại.
Hy vọng của mọi quốc gia
Trong khi đó, tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia. Ảnh: WH |
Bà nhấn mạnh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là điều mà mọi quốc gia luôn mong muốn và hy vọng đạt được. Bà nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.
Ngoại trưởng khẳng định quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Đó là tất cả các bên liên quan phải tiếp tục duy trì việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
“Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, bà nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia đã khẳng định những tuyên bố về chủ quyền đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, vi phạm UNCLOS 1982 và chưa bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận.
Dương Lâm
Phản ứng của Australia về chính sách Biển Đông của Mỹ
Không lâu sau khi Mỹ tuyên bố hầu hết các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là "bất hợp pháp", Thủ tướng Australia khẳng định nước này sẽ tiếp tục "ủng hộ mạnh mẽ" tự do hàng hải trong khu vực.
Mỹ - Trung tái hiện cuộc tranh luận Biển Đông ‘đóng hay mở’
Bốn năm sau phán quyết vụ kiện Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc tái hiện cuộc tranh luận Mare liberum (biển mở - tự do cho tất cả) và Mare clausum (biển đóng - thuộc về quốc gia) có từ thế kỷ 17.