Trước sự hấp dẫn và lợi ích của 5G thì việc triển khai mạng này được các nước tiến hành rất nhanh chóng. Trong sự kiện “Tương lai của 5G” được tổ chức tại San Diego (Mỹ) mới đây, ông James Thompson - Phó chủ tịch kỹ sư và Tổng giám đốc phụ trách công nghệ của Qualcomm – cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại chuyển đổi 5G là quá trình nhanh nhất và phức tạp nhất mà chúng tôi trải qua”.
Ông James Thompson đang trình bày về lợi ích của 5G đối với giao thông thông minh. Ảnh: H.Đ |
So sánh với việc triển khai mạng 4G trước đây, chỉ có 4 quốc gia và 3 nhà sản xuất lựa chọn ra mắt mạng 4G thay thế cho 3G trong nửa năm đầu tiên, bên cạnh đó chất lượng mạng lúc đầu không được tốt lắm.
Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn nửa năm kể từ khi được ra mắt, hơn 30 nhà mạng trên khắp thế giới đã chính thức ra mắt 5G, mặc dù 5G phức tạp hơn nhiều so với 4G.
Lấy ví dụ tại Hàn Quốc, nơi đã triển khai 5G từ tháng 4/2019, chỉ trong 2 quý vừa qua, các hãng điện thoại đã bán ra hơn 2 triệu smartphone hỗ trợ 5G. Vào năm 2020, khi mạng 5G đã được phủ sóng rộng hơn, và có độ ổn định cao, chúng ta sẽ thấy tất cả các mẫu điện thoại cao cấp được tung ra thị trường sẽ là điện thoại 5G kèm theo dự đoán rằng doanh số smartphone hỗ trợ 5G bán ra trên toàn thế giới sẽ sớm chạm mốc 200 triệu máy vào năm 2020.
Tại Mỹ, AT&T và Verizon là hai mạng tiên phong triển khai 5G. Hết năm 2019, Verizon cho biết sẽ phủ 5G trên khoảng 30 thành phố tại Mỹ, trong khi đó AT&T đã phủ xong 21 thành phố và dự kiến đưa 5G đến 30 bang đến hết năm 2019.
Cho đến nay, các quốc gia tiên phong triển khai 5G có Hàn Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Trung Quốc. Một số nước khác gồm Ý, Tây Ban Nha, Nga, Phần Lan, Romania,... Những nước sẽ có 5G ở khu vực châu Âu gồm Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy.
Nhận thức được tầm quan trọng của 5G, Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia đầu tiên thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ 5. Cuối tháng 4/2019, Viettel đã lắp đặt, tích hợp trạm 5G đầu tiên Việt Nam tại Hà Nội, và tiến hành cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam một tháng sau đó.
Hồi đầu tháng 8, Viettel tiến hành tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm 5G tại Quận 10, TP.HCM. Các mạng VinaPhone và MobiFone đều đã được cấp phép triển khai 5G, dự kiến cả hai mạng sẽ thử nghiệm phát sóng ở một số quận tại TP.HCM.
Tại sự kiện Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định cần triển khai sớm mạng 5G nếu muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, muốn phát triển ICT, để người dân và doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Việt Nam sẽ cho thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại năm 2020 và sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.
5G nhanh hơn, độ trễ thấp, ổn định cao
Mạng 5G là hệ thống không dây thứ 5 (hay thế hệ mạng di động thứ 5) – thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G LTE – hoạt động ở các băng tần 28GHz, 38GHz và 60GHz.
Theo các nhà phát minh thì mạng 5G đạt tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp tạo ra nhiều lĩnh vực tiềm năng và hấp dẫn. Một vài ứng dụng trong số đó gồm hệ thống xe tự lái, thoại có hình mượt mà hơn và giúp theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm…
Những đặc điểm vượt trội của 5G bao gồm tốc độ mạng không dây có tốc độ tăng cao, độ trễ thấp, tính ổn định cao, đồng thời là chìa khóa để nhân loại đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) khổng lồ.
Cũng tại sự kiện "Tương lai của 5G" nói trên, ông John Smee, Phó Chủ tịch kỹ sư và trưởng bộ phận nghiên cứu & phát triển của Qualcomm, cho rằng 5G trước hết để giải quyết nhu cầu ngày càng lớn của người dùng để có trải nghiệm smartphone thú vị hơn.
Thêm vào đó, các hãng công nghệ như Qualcomm muốn thiết kết một nền tảng hợp nhất cho các dịch vụ mới và các ngành công nghiệp mới, triển khai trên nhiều phổ tần. Các kỹ sư Qualcomm đã nghiên cứu tìm ra những đột phá công nghệ mới và tiến bộ phần cứng cho phép 5G cung cấp khả năng tiên tiến hơn 4G.
Theo ông John Smee, mạng di động 5G linh hoạt nên dễ mở rộng nhiều kịch bản triển khai và nhiều phổ tần. Ảnh: H.Đ |
Ví dụ 5G mang lại thiết kế hiệu quả và thống nhất hơn có thể mở rộng theo nhiều kịch bản triển khai và sử dụng nhiều phổ tần, bao gồm các dải tần thấp 1 GHz, giữa 2-7 GHz và các dải tần cao như 28 GHz, 39 GHz và 60 GHz - thậm chí xem xét các thiết kế cho tần số cao hơn 100 GHz. Với 5G, khung kiến trúc linh hoạt cho phép phát minh theo những cách mới và mở rộng phạm vi.
Ông John Smee tiên đoán rằng, 5G là một nền tảng cải tiến cho cả một thập niên tới. Phải đến 10 năm sau đó thế hệ kế tiếp mới sẽ xuất hiện, có thể gọi là 6G chẳng hạn.
5G sẽ không chỉ giúp ích cho smartphone mà tạo kết nối nhiều thiết bị khác
Sự ra đời của 5G dựa trên nền tảng phát triển và tích lũy của những thế hệ mạng di động liền trước. Tại sự kiện MWC 2013, Qualcomm đã giới thiệu các mẫu thử về khả năng liên lạc giữa các phương tiện, máy móc thông qua 5G.
Trong năm tiếp theo, toàn ngành công nghệ viễn thông đã thống nhất định hướng những đặc điểm 5G cần có như: cải thiện băng thông 4G, ra mắt mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) khổng lồ có thể kết nối hàng tỉ thiết bị trên thế giới cùng với sự cải tiến để tạo ra mức độ tin cậy cao và độ trễ thấp.
Để đạt được những đặc điểm trên thì bản thân Qualcomm đã đưa ra những giải pháp như hỗ trợ dải tần sống rộng (từ tần số thấp đến tần số có bước sóng trong khoảng milimet - mmWave), cấu trúc chia theo slot linh hoạt.
Công nghệ Massive MIMO cho phép trạm phát 5G có thể đáp ứng hàng trăm điểm thu phát, đồng nghĩa với nhiều người dùng kết nối gửi nhận tín hiệu cùng lúc và cung cấp dữ liệu khổng lồ, giải pháp sử dụng dải băng tần mmWave cho cả điện thoại di động thay vì chỉ cho điện thoại cố định. Tại MWC 2016, Qualcomm đã thực hiện thành công việc trình diễn để chứng minh rằng mmWave có thể áp dụng cho điện thoại đi động.
Lộ trình phát triển của 5G đã bắt đầu rõ rệt hơn kể từ thời điểm trên. Tháng 12/2017, 3GPPP đã công bố hoàn thành bản phát hành Release 15 hiện thực hóa giấc mơ 5G, không chỉ cung cấp tốc độ dữ liệu và băng thông cao hơn mà còn công khai và đủ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của các lĩnh vực khác nhau.
Trong năm 2020, bản Realease 16 dự kiến sẽ ra đời và mang tới nhiều hơn nữa các ứng dụng trong các ngành công nghiệp và trong sản xuất. Trong tương lai gần, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi sự ra đời của các bản phát hành Release 17, 18 và các bản sau đó với các ứng dụng 5G sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.
Một nhà báo đang thử nghiệm chơi game qua kính thực tế tăng cường, sử dụng nền tảng 5G để kết nối máy chủ game. Ảnh: H.Đ |
Tuy nhiên, tầm nhìn của Qualcomm về 5G đã vươn xa ngoài phạm vi smartphone. Cụ thể là ngay với bản phát hành Release 15, hãng đã mong đợi 5G có thể mang tới các ứng dụng trong ngành vận tải, tăng trải nghiệm cho người dùng không chỉ trên điện thoại mà còn trên laptop và các sản phẩm hỗ trợ như kính thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR). Đối với các phiên bản phát hành sau (Release 16-17), Qualcomm mong chờ 5G sẽ được áp dụng vào vô số các lĩnh vực khác, bao trùm toàn bộ đời sống, sinh hoạt và kinh doanh của con người.