Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hoạt động truyền thông chính sách phải xuất phát từ các cơ quan nhà nước. Các cơ quan Nhà nước phải nắm rõ các chính sách để xây dựng các nội dung kịch bản phù hợp khi truyền thông ra bên ngoài. Báo chí là một kênh để truyền tải thông tin, truyền thông ra xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự chủ động truyền thông chính sách của các cơ quan chuyên môn trong ngành, lĩnh vực quản lý vẫn chưa cao. Việc phối hợp với cơ quan báo chí vẫn còn có lúc chưa thông suốt, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan. Cơ quan báo chí đôi lúc còn khó tiếp cận các cơ quan nhà nước để nắm bắt thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Để giải quyết vấn đề nêu trên, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo triển khai xây dựng một đề án về truyền thông toàn diện, gồm cả truyền thông nội bộ, truyền thông chính sách và truyền thông quảng bá. 

Trong đó, truyền thông chính sách tập trung khắc phục các hạn chế diễn ra lâu nay. Đặc biệt là sớm xây dựng kênh kết nối giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí. Bây giờ, cơ quan báo chí có thể sử dụng Mạng lưới phát ngôn mà Huế đang triển khai trên nền tảng Hue-S để gửi câu hỏi thẳng tới các cơ quan chuyên môn liên quan. Căn cứ thời gian quy định, các cơ quan chuyên môn sẽ có trách nhiệm phản hồi. Như thế, việc kết nối thông tin giữa cơ quan báo chí với cơ quan nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, ý tưởng xây dựng Mạng lưới phát ngôn đã hình thành từ cách đây khoảng 2 năm, tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều vấn đề phát sinh. Sau một quá trình tổng kết, đánh giá, tới cuối năm ngoái thì mới triển khai được.

“Các thành phần tham gia Mạng lưới phát ngôn sẽ được tạo tài khoản và kết nối thường xuyên thông qua nền tảng Hue-S. Hiện 100% cơ quan nhà nước đã được tạo tài khoản, cơ quan báo chí có thể kết nối bất cứ lúc nào cũng được. Còn với báo chí, tất cả các văn phòng đại diện, các phóng viên báo chí hoạt động trên địa bàn theo danh sách Sở Thông tin và Truyền thông quản lý cũng sẽ được cung cấp tài khoản”, ông Sơn thông tin.

Mạng lưới phát ngôn đã trở thành công cụ hữu hiệu, giúp báo chí khắc phục tình trạng khó tiếp cận thông tin từ cơ quan nhà nước, vì thế, phía báo chí phản ánh khá tích cực về quá trình triển khai công cụ này.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu triển khai, một số cơ quan chưa nắm rõ quy định về người phát ngôn, công tác phản hồi, trao đổi thông tin thông qua Mạng lưới phát ngôn còn chậm, khiến các cơ quan báo chí chưa hài lòng.

“Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo về cả những thuận lợi và bất cập trong quá trình triển khai. Lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo rà soát lại toàn diện, cả vấn đề liên quan tới khả năng kết nối của Mạng lưới phát ngôn, cách thức tiếp cận của cơ quan báo chí, nền tảng công nghệ cũng như quy định cần có để tăng cường hiệu quả của Mạng lưới phát ngôn. Dù vẫn còn những bất cập nhưng chúng tôi tự tin sẽ khắc phục được. Không có gì thuận tiện ngay từ đầu. Rất mong các cơ quan báo chí thường xuyên gửi câu hỏi, kiên nhẫn và chia sẻ hơn đối với những vấn đề bất cập trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cam kết trong thời gian tới sẽ tìm giải pháp để Mạng lưới phát ngôn ngày càng tối ưu hoạt động. Hy vọng Mạng lưới phát ngôn trên nền tảng Hue-S sẽ trở thành một mô hình điểm ở tỉnh Thừa Thiên – Huế về phương thức kết nối thông tin giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí để nâng cao hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, Mạng lưới phát ngôn được xác định là công cụ quan trọng của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới. Vì thế, sẽ phải đổi mới hơn nữa phương thức kết nối để gia tăng sự tín nhiệm, phối hợp của cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách. Và khi nhiệm vụ truyền thông chính sách được triển khai hiệu quả thì các chính sách sẽ sớm đi vào đời sống của nhân dân.

Hoài Bắc và nhóm PV, BTV