Măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được ngâm với bột măng (màu vàng). Măng ngâm hóa chất nhìn đẹp mắt, vị ngọt, ngon và giòn hơn măng tự nhiên.

Báo Chất lượng Việt Nam dẫn nguồn tin cho biết, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành lấy mẫu măng tươi này mang kiểm tra, kết quả cho thấy mẫu măng tươi có chứa chất Sulfur dioxide cao hơn 10 lần cho phép.

Sulfur dioxide là chất hóa học dùng để tẩy trắng giấy công nghiệp và là một trong những chất gây ô nhiễm môi trường. Chất này có thể dùng để bảo quản và chế biến thực phẩm, nhưng hàm lượng cho mỗi loại thực phẩm là khác nhau. Nếu quá hàm lượng cho phép sẽ khiến con người viêm phổi, các bệnh về mắt, thậm chí gây tử vong.

Qua quá trình điều tra, vợ chồng Lu-Wu (chủ cơ sở chế biến măng trên) đã khai nhận, sau khi thu mua măng đã chứa chất bảo quản ở khu Bạch Vân (Trung Quốc) sẽ tiến hành rửa, ngâm cho hết mùi lạ của chất bảo quản, rồi sau đó tiến hành gia công lần thứ 2 là ngâm chất tẩy trắng.

Các đối tượng này cho biết do mùi chất bảo quản quá nồng nặc, họ phải tiến hành rửa liên tục hơn 1 tiếng rồi cho vào nước ngâm 13 tiếng, có như vậy mới loại bỏ triệt để mùi khó chịu của hóa chất này. Như vậy, không chỉ chứa chất tẩy rửa cao hơn nhiều lần cho phép, những mẫu măng này đã thấm đẫm 1 lượng không hề nhỏ chất bảo quản.

{keywords}

Măng độc hại được ngâm chất tẩy trắng ở nơi rất mất vệ sinh.

Phạm vi chủ yếu tiêu thụ của các mẫu măng độc hại này ở Trung Quốc là tỉnh Quảng Châu, thành phố Phật Sơn. Các đối tượng thú nhận, số lượng măng trên chiếm 50% các chợ ở Quảng Châu.

Không dừng ở việc tẩm ướp hóa chất, cơ sở chế biến còn vô cùng mất vệ sinh, công cụ chế biến thô sơ, măng được vứt bừa bãi trên nền nhà, một số còn đang bắt đầu bị mốc, mọc nấm bên trong.

Cơ quan chức năng Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành điều tra sự việc.

Tại thị trường Việt Nam, ngày 16/1, Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Cơ quan phía Nam (C49B, Bộ Công an) và cơ quan Quản lý thị trường TP.HCM, đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh măng tươi đối với 3 cơ sở tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM, để tiếp tục làm rõ hành vi "đầu độc" người tiêu dùng.

Quá trình theo dõi trước đó nhiều ngày, cảnh sát phát hiện 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh măng tươi bên Quốc lộ 1A, có dấu hiệu dùng hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm tẩm măng. Hành vi này gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, vi phạm pháp luật vệ an toàn thực phẩm.

Sáng 15/1, Cục C49B và Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra đột xuất cả 3 cơ sở.

Ở hộ kinh doanh của ông Ngô Xuân Thái, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở hoạt động không có giấy phép; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; Hàng hóa không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại đây cơ sở của ông Thái, nhà chức trách tạm giữ 20.740 kg măng ngâm hóa chất.

{keywords}

Hóa chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm bị phát hiện tại cơ sở kinh doanh măng.

Làm việc tại cơ sở của bà Ngô Thị Đăng, cảnh sát cũng phát hiện các vi phạm như trên và tạm giữ 5.060 kg măng ngâm hóa chất. Tại hộ kinh doanh của ông Lê Văn Lâm, lực lượng chức năng thu 17.920 kg măng ngâm hóa chất.

Đại diện Cục C49B cho biết, quá trình kiểm tra 3 cơ sở này, cảnh sát phát hiện 15 kg hóa chất không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Trên nhãn phụ dán ngoài bao bì thùng hóa chất có hình ảnh cảnh báo nguy hiểm, cùng khuyến cáo "yêu cầu hỗ trợ y tế khi nuốt phải".

Theo lời khai của bà Ngô Thị Đăng, số hóa chất này được cơ sở dùng để tẩy trắng, giúp bảo quản măng lâu hơn, làm cho măng giòn, thơm. Đại diện hộ kinh doanh cho hay mua hóa chất trong chợ Kim Biên (TP.HCM) với giá 26.000 đồng/kg.

Về công thức ngâm tẩm, bà Đăng khai cứ 200 lít nước ngâm 100 kg măng, bà pha một muỗng cà phê hóa chất. Măng ngâm trong dung dịch này khoảng 12 giờ có thể bảo quản trong 2 năm.

Làm việc với cảnh sát, chủ các cơ sở khai thu mua măng từ Lâm Đồng giá 8.000 đồng/kg, đem về chế biến, ngâm tẩm hóa chất và bán ra thị trường giá 12.000 đồng/kg. Các cơ sở này được cho là kinh doanh măng tươi với quy mô lớn, chuyên cung cấp cho thị trường TP.HCM và một số tỉnh lân cận.

Hiện cảnh sát đã tạm giữ 43.720 kg măng ngâm hóa chất, tạm giữ 15 kg hóa chất không nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đánh giá đây là vụ phát hiện măng ngâm tẩm hóa chất lần đầu tiên bị phát hiện, với số lượng lớn.

TS Trần Quang Ứng, Đại học Khao học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hóa chất có trong măng từ trước đến nay được tìm thấy đa phần là axit oxalic. Người ta sử dụng hóa chất này để ngâm măng, làm trắng và bảo quản được lâu. Axit oxalic là một loại axit hữu cơ tương đối mạnh, gấp 10 ngàn lần giấm ăn, thường được dùng trong việc tẩy rửa hoặc chống gỉ sét. Dung dịch axit oxalic còn được dùng để đánh bóng gỗ, dùng làm chất cẩn màu trong công nghệ nhuộm. Axit oxalic là chất cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm vì nó có thể gây tử vong khi bị nhiễm độc nặng.

Dấu hiệu nhận biết măng tươi ngâm hóa chất

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thông thường măng mọc theo mùa, hằng năm đều có mùa để thu hoạch nên sử dụng hóa chất giúp măng tươi đến 2 năm là không cần thiết. Không rõ ngoài axit oxalic thì chất để bảo quản măng là chất gì. Để bảo quản được lâu như vậy thì chỉ có các loại hóa chất dùng để ướp xác. Còn trong quá trình thu hoạch và xử lý măng tươi, để loại bỏ chất xyanua là một chất độc trong măng, người ta phải ngâm rửa sạch, sử dụng sodium hydrosulfite là một chất phụ gia thực phẩm để tẩy trắng, khử độc. Bản thân măng chỉ có chất xơ nên vi sinh vật thường không phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận, có nguy cơ gây ung thư rất cao. Nếu dùng ở lượng lớn, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất còn có thể gây ngộ độc cấp, người lớn thể trọng 60kg nếu dùng khoảng 22g có thể tử vong.

Bằng cảm quan cũng có thể nhận biết măng có bị ngâm hóa chất hay không, măng không ngâm hóa chất thường có màu sậm, mùi ngái đặc trưng, dùng tay bấm vào măng không mủn. Măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được ngâm với bột măng (màu vàng). Măng ngâm hóa chất nhìn đẹp mắt, vị ngọt, ngon và giòn hơn măng tự nhiên.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, khi ăn măng, tốt nhất là nên rửa nhiều lần bằng nước sạch rồi luộc lên để loại bỏ hết chất độc sau đó mới chế biến. Đó là cách sử dụng khá an toàn. Măng là đồ ăn không có nhiều dinh dưỡng nên dù có luộc đi luộc lại nhiều lần cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng.

(Theo ĐSPL)