Năm 2019, anh Phan Gia Long, ở xã Đức Minh (Đắk Mil) bắt đầu khởi nghiệp với các sản phẩm chế biến, chiết xuất từ chuối, bơ, sả, tía tô, chè…

Từ vùng nguyên liệu hơn 12 ha, anh đã nhập máy móc chế biến, chiết xuất ra bột chuối, tinh đầu bơ, bột tía tô,... Đây là những sản phẩm khá mới mẻ ở vùng nông thôn Đức Minh.

Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, anh Long thiết kế bao bì, nhãn hiệu và đưa các sản phẩm lên zalo, facebook, wedsite. Qua các kênh này, bạn bè và người tiêu dùng đã có thể tiếp cận với sản phẩm và quy trình sản xuất của anh.

Anh Long cho biết, qua các kênh này, sản phẩm đã có lượng khách hàng tiếp cận ngày càng nhiều. Các sản phẩm ban đầu chủ yếu phục vụ thị trường bán lẻ, nên việc quảng bá thấy rõ tính hiệu quả.

Mỗi tháng, anh có thể tiêu thụ khoảng 50 - 100 đơn hàng qua online. Kênh tiêu thụ này giúp anh tạo nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh cũng chủ động kết nối, tiêu thụ tốt hơn các đơn hàng bán sỉ. 

hinh(1).jpg
Mạng xã hội đang giúp các sản phẩm nông nghiệp thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường.

Theo anh Long, để có thể tạo được uy tín trên các trang mạng xã hội, sản phẩm phải có đầy đủ các chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Từ đó, tạo niềm tin cho khách hàng.

Thay vì cách làm truyền thống là phải đi đến các cửa hàng để giới thiệu, quảng bá thì nên xây dựng cửa hàng điện tử để khách hàng vào xem sản phẩm, lựa chọn và mua hàng. Điều này giúp giảm nhiều chi phí.

"Ưu điểm lớn nhất là các mạng xã hội ít tốn chi phí phân phối, lại tiếp cận được với người tiêu dùng nhanh nhất và mọi lúc mọi nơi", anh Long cho hay.

spnn(1).jpg
Qua các kênh mạng xã hội sản phẩm ngày càng tiếp cận được với nhiều khách hàng

Công ty TNHH Vương Anh, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), chuyên chế biến mắc ca. Công ty có vùng nguyên liệu mắ ca khoảng 40 ha.

Chị Chu Thị Thái, Giám đốc Công ty cho biết, trước thói quen của người tiêu dùng, chị đã sử dụng facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Lợi thế của các kênh này là có thể quảng bá sản phẩm bằng hình ảnh, video và tương tác với khách hàng. 

Công ty sản xuất mắc ca với số lượng hàng lớn, nên việc bán lẻ là một phần của chiến lược kinh doanh. Ngoài  bán lẻ, facebook, zalo trở thành kênh quảng bá khá tốt cho các đơn hàng sỉ, với số lượng lớn của Công ty.

Mỗi năm, Công ty bán khoảng 10 tấn hàng mắc ca qua các kênh bán lẻ này. Nếu phát triển tốt các kênh quảng bá, bán hàng này, Công ty sẽ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Theo Sở NN-PTNT, người dân, doanh nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhiều hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu, mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng.

Nhiều hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đã khai thác lợi thế của mạng xã hội để tăng sức cạnh tranh và khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Các trang mạng xã hội có những thuật toán riêng để đưa ra những gợi ý sát với nhu cầu của khách hàng thông qua lịch sử tìm kiếm, trò chuyện, cuộc hội thoại. Các sản phẩm, thương hiệu nông sản có cơ hội xuất hiện với tần suất dày trên mạng xã hội sẽ mang đến độ nhận diện cao cho khách hàng. Nó cũng nhắc nhở khách hàng về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu cung cấp.

Theo Hưng Nguyên (Báo Đắk Nông)