­­­­

'Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư trực tiếp vào Myanmar, chiếm khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài'

Bài 1: Sự kiện 8888 và 'vết nhọ' quốc gia

Bài 2: Chọn láng giềng hay phương Tây?

Bài 3: Mảnh đất màu mỡ cuối cùng của Châu Á

Sau những nhận định về sự vận động về chính trị, xã hội của Myanmar, trước thời điểm quốc gia này đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN 2014. Cựu đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng tiếp tục chia sẻ những đổi thay, tiềm năng và các cơ hội hợp tác kinh tế của Myanmar và Việt Nam, cũng như với cộng đồng quốc tế.

Ngoài những sự thay đổi về chính trị - xã hội, theo ông đâu là lý do chính khiến Myanmar thu hút các dòng đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng như vậy trong thời gian gần đây?

Myanmar hiện đang là "điểm nóng" thu hút các dòng đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng từ bên ngoài, chủ yếu là do các lý do sau:

- Vị trí địa chiến lược của Myanmar nằm giữa 2 cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ, án ngữ Ấn Độ Dương và là cầu nối giữa Đông Nam Á với Tây Á, Trung Đông, Châu Âu... khiến nhiều nước lớn rất coi trọng gia tăng sự có mặt của họ tại quốc gia này, trước hết là về kinh tế.

- Myanmar là một thị trường lớn ở Đông Nam Á với diện tích gấp hơn 2 lần Việt Nam và dân số 60 triệu người. Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến tại Myanamr khiến các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không gặp phải "hàng rào ngôn ngữ" khi thực hiện các dự án đầu tư, thương mại tại Myanmar.

- Myanmar có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú thuộc bậc nhất khu vực Đông Nam Á từ đất đai, dầu khí, khoáng sản, lâm sản, nông sản phẩm, thủy hải sản, nguồn nhân lực... Các nguồn tài nguyên đó đều có trữ lượng rất lớn và hầu như mới chỉ bắt đầu khai thác.

- Chính sách mở cửa của chính phủ Myanmar tuy muộn nhưng rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư nước ngoài mới năm 2012 của Myanmar được đánh giá là một bộ Luật cởi mở trong khu vực.

Chính vì vậy, nhiều người đã gọi Myanmar là "mảnh đất mầu mỡ cuối cùng của Châu Á"

{keywords}

Khu vực Bagan, Myanmar. Ảnh: Mekongtravel

Có những ý kiến lo ngại mũi nhọn kinh tế của Việt Nam như may mặc, xuất khẩu gạo... có khả năng bị Myanmar vượt qua. Lo lắng này có cơ sở không? Ông có thể đưa ra những so sánh giữa môi trường đầu tư (kinh tế, chính trị, chính sách, xã hội, hạ tầng...) giữa Myanmar và Việt Nam?

Việt Nam và Myanmar đều là nước nông nghiệp và đều là quốc gia đang phát triển, lẽ đương nhiên cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cơ bản giống nhau.

Từ cuối thế kỷ 19, Myanmar từng là vựa lúa của Châu Á, từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (năm 1959-1960 xuất khẩu 3 triệu tấn gạo). Mấy năm gần đây Myanmar xuất khẩu gạo với số lượng tăng dần (năm 2012 đạt khoảng 1 triệu tấn). Tiềm năng sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản của Myanmar lớn hơn Việt Nam, họ có hơn 20 triệu hecta đất nông nghiệp (gấp 5 lần Việt Nam), hơn 3000 km bờ biển nhiệt đới, hơn 8 triệu hecta mặt nước sông hồ...

Việc Myanmar khôi phục vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực là có thể. Đồng thời, hơn 2 năm qua, đầu tư nước ngoài vào Myanmar tăng liên tục, các ngành sản xuất gia công, chế biến cũng phát triển theo. Hơn nữa, Mỹ và EU đều dành ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm xuất khẩu của Myanmar như hàng dệt may, giầy dép..

Với những ưu thế kể trên, trong tương lai không xa Myanmar không chỉ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam mà còn là đối thủ cạnh tranh với nhiều nước Châu Á về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.

Tuy nhiên, để đạt được trình độ phát triển đó, Myanmar còn không ít việc phải làm về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, phát triển ngành điện lực, củng cố nâng cấp hệ thống ngân hàng, tài chính, hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư sản xuất và các luật lệ kinh tế liên quan.

Về mặt này Myanmar còn thua kém nhiều các nước trong khu vực.

{keywords}
Quảng cáo sản phẩm Việt Nam trên đường phố Yangon. Ảnh: Hoàng Hường

Giữa Việt Nam - Myanmar có những lợi thế hay tương đồng đáng kể nào trong giao thương và đầu tư?

Các bạn Myanmar đều có nhận xét chung giống chúng ta, giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng về chính trị, văn hóa. Đó là:

a/ Hai nước đều bị đế quốc thực dân phương Tây đô hộ hơn một thế kỷ, đều đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc bằng chính sức mạnh của dân tộc mình.

b/ Hai nước đều trải qua nhiều năm bị bao vây cấm vận từ bên ngoài nhưng vẫn giữ vững được độc lập tự chủ. Việt Nam đã vượt qua khó khăn này, Myanmar đang từng bước vượt qua.

c/ Hai nước đều có nền văn hóa lúa nước phong phú trong đó đạo Phật là tôn giáo chính. Nhân dân hai nước đều rất quý trọng độc lập tự do, cần cù lao động và đều có phong tục ăn "trầu cau" mang đậm bản sắc dân tộc.

d/ Hai nước không tồn tại bất kỳ xung đột nào về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, an ninh quốc phòng và an ninh kinh tế.

Về kinh tế, như đã nêu ở trên vì đều là nước nông nghiệp nên Việt Nam và Myanmar có thể bổ sung cho nhau các sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu từ nông nghiệp và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.

Hai năm qua, một số công ty Việt Nam đang giúp Myanmar trồng các loại lúa cao sản và xuất khẩu máy móc nông nghiệp, phân bón tới Myanmar. Nền công nghiệp Việt Nam phát triển hơn Myanmar, công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam phù hợp với thị trường Myanmar, vì vậy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư kinh doanh sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng tại Myanmar.

Về địa lý, Myanmar cách Việt Nam không xa lắm. Giao thương hàng hóa giữa hai nước khá thuận lợi về đường biển, đường không và trong tương lai gần là đường bộ sau khi Hành lang Đông Tây từ Việt Nam sang Lào và Myanmar xây dựng xong.

Hiện đã có bao nhiêu doanh nghiệp/dự án của Việt Nam được chính thức cấp phép vào Myanmar? Việt Nam giữ vị trí thứ mấy trong danh sách các nhà đầu tư, hàng hoá Việt chiếm bao nhiêu % thị trường, thưa ông?

Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Thương mại Myanmar và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, năm 2012 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Myanmar đạt 227 triệu USD, tăng 35,9% so với năm 2011 và cao gấp 7 lần so với 10 năm trước.

Tính chung trong giai đoạn 2003-2012, tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar tăng bình quân 24,8%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar tăng bình quân 28,3%/năm và nhập khẩu tăng bình quân là 22%/năm.

Hiện nay Việt Nam là bạn hàng thương mại thứ tư của Myanmar trong các nước ASEAN (sau Thái Lan, Singapore, Malaysia) và cũng là bạn hàng xuất khẩu thứ 11, bạn hàng nhập khẩu thứ 12 trong tổng số hơn 100 bạn hàng thương mại của Myanmar trên thế giới. Tuy nhiên, kinh ngạch thương mại giữa Việt Nam - Myanmar mới chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Myanmar.

Về đầu tư, theo thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM), tính đến hết tháng 5/2013 đã có 23 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar. Các hình thức đầu tư được cấp phép hoạt động gồm: mở 14 Văn phòng đại diện; mở 3 chi nhánh công ty tại Yangon và cấp phép thành lập 6 Công ty liên doanh Việt Nam - Myanmar. Trong đó 4 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép đầu tư với tổng giá trị hơn 600 triệu USD.

Theo thống kê của phía Myanmar, Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư trực tiếp vào Myanmar, chiếm khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này.

Với sự chú ý từ nhiều bên như hiện nay, Myanmar sẽ góp phần như thế nào vào việc đẩy mạnh vị thế của ASEAN, đặc biệt vào năm 2014 khi Myanmar là Chủ tịch luân phiên; và ngược lại, ASEAN đã hỗ trợ Myanmar như thế nào để tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế?

Trong quá khứ và hiện tại, các nước AEAN đã tốn nhiều công sức trong việc kết nạp Myanmar vào ASEAN (tháng 7/1997), vận động Liên hợp quốc và phương Tây xóa bỏ bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar và vận động Myanmar đổi mới để hòa nhập quốc tế.

Năm 2010, chính sự ủng hộ nhanh chóng của ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch luân phiên đối với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar ngày 7/11/2010 đã tạo dư luận thuận lợi cho Liên Hợp Quốc, Mỹ và Phương Tây ghi nhận, không tẩy chay kết quả cuộc bầu cử này.

Đáp lại thiện chí của các nước bạn bè ASEAN, sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2010, Myanmar đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng khối đoàn kết và nâng cao vị thế của ASEAN trên quốc tế. Phát biểu của Myanmar tại các diễn đàn ASEAN và quốc tế về các vấn đề an ninh khu vực liên quan đến tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên... đều được dư luận đánh giá cao.

Không chỉ riêng các nước ASEAN bè bạn mà cả thế giới đang chăm chú quan sát Myanmar sẽ đảm nhiệm trọng trách này ra sao để đáp ứng sự tin cậy và trông đợi của cả khu vực và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hường (Thực hiện)

Bài cùng chủ đề:

Cuộc chiến 'giá thành và nhân quyền' ở Châu Á

Một mặt các 'ông lớn' mang đến công việc cho người lao động Châu Á, mặt khác lại góp phần làm những vấn đề về quyền con người ở đây trở nên tồi tệ.

Aung San Suu Kyi có thể 'thay đổi toàn diện' Myanmar?

Theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar, Aung San Suu Kyi "không thể" trở thành Tổng thống. "Tuy nhiên mọi việc đều có thể thay đổi".

Ai đánh thức 'người đẹp đang ngủ'?

Myanmar, quốc gia Đông Nam Á đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, như cách nói của một nhà báo bản xứ: chúng tôi đang ở trong một thời điểm lịch sử.


>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam