Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), chỉ trong 3 tuần từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, đơn vị đã tiếp nhận gần 12.500 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.
Trong đó, các trường hợp lừa đảo sử dụng website giả mạo ngân hàng, sàn thương mại điện tử vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Đơn cử như, trong 20 website lừa đảo mà người dân được khuyến nghị cảnh giác, có tới 11 website giả mạo các sàn thương mại điện tử Amazon, Lazada, Shopee, Tiki.
Song song với việc triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hiện Cục An toàn thông tin vẫn duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn, hình thức lừa đảo phổ biến để người dân biết và phòng tránh.
Dưới đây là 2 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến được các đối tượng sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam trong tuần từ ngày 4/11 đến 10/11.
Mạo danh quảng cáo sai lệch về ‘lương y gia truyền’ để lừa người bệnh
Thời gian gần đây, không gian mạng Việt Nam ghi nhận tình trạng quảng cáo ‘lương y gia truyền’ để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mãn tính lại xuất hiện rầm rộ trở lại các kênh TikTok, YouTube.
Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) mới đây còn nhận được nhiều phản ánh của các cơ sở y học cổ truyền, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng mạo danh, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, đe dọa đến sức khỏe người dân.
Trước việc tái xuất hiện chiêu trò lừa đảo trực tuyến kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng qua các trang thông tin chính thống.
Người dân cũng không nên tham gia các hội nhóm cung cấp dịch vụ y tế trên mạng xã hội; không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.
Khi có nhu cầu khám chữa bệnh, người dân cần đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.
Trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Xuất hiện tình trạng mạo danh sàn Amazon để lừa chiếm đoạt tài sản
Gần đây, nhiều người tiêu dùng cho biết đã bị lừa đảo bởi đối tượng mạo danh nhân viên Amazon.
Theo Cục An toàn thông tin, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trước đó cũng có khuyến cáo doanh nghiệp và người dân nên cảnh giác với các thông tin sử dụng tên, logo của cơ quan này và Amazon Global Selling Việt Nam để giả mạo chương trình thương mại điện tử xuyên quốc gia nhằm lừa đảo người dùng.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo thông báo và hướng dẫn người dùng thực hiện việc mở tài khoản, mở đại lý và mời thêm người thân tham gia hệ thống để được nhận các ưu đãi như: Đăng ký mở thành công đại lý cửa hàng sẽ được thưởng 30.000 đồng thẻ cào điện thoại; sau khi đăng ký mở cửa hàng thành công, đơn hàng đầu tiên của cửa hàng sẽ nhận được 200.000 đồng tiền phụ giúp để hoàn thành đơn hàng từ hệ thống.
Những ưu đãi không có thật này là chiêu trò để kẻ lừa đảo dẫn dụ thêm nhiều nhiều nạn nhân ‘sập bẫy’, từ đó chiếm đoạt tài sản của họ.
Cục An toàn thông tin đề nghị các doanh nghiệp và người dân trong mọi tình huống cần thận trọng kiểm tra, xác minh thông tin trước khi chuyển khoản; kiểm tra tính xác thực của các website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, hay cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; không truy cập đường dẫn lạ hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh, xác thực đối tượng giao dịch.
Cục An toàn thông tin cũng lưu ý thêm, trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.