- Giữa mùa bom tấn bùng nổ rạp Việt, “Mật mã Dyatlov” là món lạ vì nó mang điện ảnh Nga trở lại rạp Việt sau hơn hai thập niên vắng bóng.

Các tin liên quan

Nóng chuyện kiểm duyệt phim tại Việt Nam

Kiểm duyệt phim: Dễ người, khó ta!

Không thể cấm khán giả xem phim bạo lực


Không mấy ai còn nhớ bộ phim Nga cuối cùng chiếu trên rạp Việt là vào năm nào, sự vắng bóng đã kéo dài hơn hai thập niên, dù thỉnh thoảng người xem vẫn tìm được đôi chút “hương vị” phim Nga thoảng qua màn ảnh nhỏ. Thế nên, buổi ra mắt “Mật mã Dyatlov” trong chừng mực nhất định, đã gây được háo hức cho người xem.

{keywords}
Phim Nga “Mật mã Dyatlov” khởi chiếu tại VN từ ngày 12/4.

Nhưng thực tế, có lẽ vì mất liên lạc đã quá lâu, nên người xem thật khó kết nối được những gì còn đọng lại trong ký ức về phim Nga với các yếu tố nội dung và hình ảnh trong “Mật mã Dyatlov”. Nếu không muốn nói bộ phim giải trí này thực sự chẳng ăn nhập gì mấy với hình ảnh quá khứ huy hoàng của nền điện ảnh Xô Viết hùng mạnh, từng cho ra lò những tác phẩm kinh điển, mô tả số phận con người trên nền đại cảnh lịch sử của một dân tộc vĩ đại.

Chính xác thì “Mật mã Dyatlov” (tên tiếng Anh: “The Dyatlov Pass Incident”) là một phim “lai” Hollywood (chuyện khó tránh khỏi đối với phim hợp tác sản xuất). Đạo diễn Mỹ Renny Harlin, người nổi tiếng với các phim hành động “Die Hard 2”, “Cliffhanger”, “Deep Blue Sea”…, đã áp dụng những chiêu trò hù dọa mới nhất của dòng phim kinh dị Hollywood vào bộ phim Nga này.

Bộ phim quả thật khơi gợi được nỗi tò mò đầy sợ hãi bằng phong cách giả tài liệu, trộn lẫn những sự kiện có thật vào trong câu chuyện hư cấu. Nó kể lại chuyến đi của 5 sinh viên làm phim người Mỹ, họ lần theo dấu vết của một đoàn thám hiểm gồm 9 người, mất tích vào năm 1959 trên đỉnh đèo Dyatlov thuộc vùng Ural băng giá.

{keywords}
Phim kể câu chuyện hư cấu dựa trên một tai họa có thật
xảy ra với một đoàn thám hiểm 9 người.

Tính tài liệu dù khá giả tạo và gượng ép trong cách thể hiện cho khán giả đây là bộ phim được quay lại bởi chính một trong năm thành viên đoàn thám hiểm. Nhưng lại không có gì là giả khi câu chuyện thuật lại các giả thiết từng được đặt ra để giải thích vụ mất tích bí hiểm ở vùng núi hoang vu tuyết trắng với thời tiết thường xuyên ở độ âm.

Những tài liệu có thật còn ghi lại chuyện nhóm 9 nhà thám hiểm trẻ do cậu sinh viên Ygor Dyatlov dẫn đầu, khởi hành ngày 23/1/1959. Một tháng sau, thi thể họ được tìm thấy bị vùi trong tuyết trên núi Holatchahl. Một số chết vì hạ thân nhiệt, một số bị tổn thương hộp sọ và một cô gái bị cắt lưỡi. Các giả thuyết từng được đặt ra là do thời tiết khắc nghiệt, do người ngoài hành tinh, do một bí mật quân sự và do cả truyền thuyết về một vùng đất giao thoa giữa cõi âm và cõi dương.

“Mật mã Dyatlov” khá ăn khách ở thị trường Nga với doanh thu đạt gần 5 triệu USD sau khi ra mắt hôm 28/2. Độ hút khách của nó tại thị trường VN là một ẩn số khi không được quảng bá rộng rãi, chiếu ở số rạp hạn chế.

{keywords}
Nữ diễn viên Holy Goss trong vai Holly King.

Sự thành bại của nó cũng là phép thử khác của A Company, một nhà phát hành mới toanh vừa tham gia thị trường bằng bộ phim bom tấn đậm chất nghệ thuật “Cloud Atlas”. Bởi theo ông Nguyễn Văn Nhiêm, Tổng giám đốc, đơn vị của ông trên nguyên tắc sẽ phát hành tất cả các phim, nhưng tập trung nhất vào dòng phim Nga, các nước Đông Âu và Bắc Âu vốn hoàn toàn vắng bóng trên rạp chiếu Việt. Cụ thể, sắp tới sẽ có "Thôi miên" của Thụy Điển (dự kiến ngày 3/5), "Thử thách" của Đức (ngày 17/5).

Sự có mặt của dòng phim này rõ ràng làm phong phú thêm lựa chọn của khán giả. Nhưng nó có phá vỡ được thế độc tôn của Hollywood trên rạp Việt hay không lại là chuyện khác. Hầu hết các phim Ấn Độ, Thái Lan, Pháp… thời gian qua đều rơi vào cảnh “không kèn không trống” vì không tìm được nhiều rạp chiếu.

Minh Chánh