Theo bác sĩ Lê Nguyễn Thụy Phương, nguyên giảng viên bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, người trưởng thành cần khoảng 7-9 tiếng ngủ mỗi đêm để có thể hoạt động tối ưu vào ban ngày, còn người trên 65 tuổi chỉ cần từ 7-8 tiếng. Ngoài ra, một số ít người có thể ngủ khoảng 6 tiếng hoặc trên 12 tiếng.

Định nghĩa mất ngủ bao gồm các dấu hiệu như khó đi vào giấc ngủ, khó khăn duy trì giấc ngủ và thức giấc quá sớm. Mất ngủ có thể là một bệnh lý độc lập nhưng cũng có thể liên quan đến rối loạn tâm thần nếu diễn ra trên 3 tháng. 

Có 90% bệnh nhân rối loạn trầm cảm có biểu hiện mất ngủ. Ở chiều ngược lại, mất ngủ càng khiến tình trạng trầm cảm nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, việc điều trị mất ngủ cũng có thể giúp phòng ngừa rối loạn tâm thần.

Trước đây, mất ngủ chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Hiện nay, người trẻ cũng đối mặt với tình trạng trên, dẫn đến mệt mỏi về thể chất và tinh thần. 

Mất ngủ khiến người trẻ tuổi giảm hiệu quả công việc, dễ cáu bẳn, tăng lo âu. 

Theo bác sĩ Hồ Xuân Minh Hoàng, Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, nguyên nhân mất ngủ ở người trẻ tuổi có thể do áp lực công việc, học tập; thói quen sử dụng máy tính, điện thoại... trước khi đi ngủ; thói quen ăn uống và sử dụng chất kích thích; sinh hoạt không khoa học.

Hậu quả là, cơ thể phải đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp, trầm cảm, mất tập trung, thậm chí là tăng cân và nguy cơ ung thư.  

Lý giải thông tin trên bác sĩ Hoàng cho biết giấc ngủ bị gián đoạn sẽ gây căng thẳng, cơ thể phản ứng lại với những căng thẳng bằng cách tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Nếu kéo dài, mất ngủ sẽ gây ra bệnh tăng huyết áp mạn tính. Thiếu ngủ cũng làm chậm quá trình trao đổi chất nên làm tăng lượng đường trong máu, gia tăng nguy cơ bệnh béo phì. 

Bên cạnh đó, hình ảnh chụp não cho thấy mất ngủ có thể làm gia tăng các hoạt động tại các trung tâm cảm xúc của não, từ đó làm rối loạn tâm thần. Một số chuyên gia cho rằng chỉ cần một đêm mất ngủ sẽ làm thay đổi chức năng hoạt động của não, đặc biệt là ở những người hay lo âu.

Những người không ngủ từ 7-8 tiếng/ngày, thậm chí kể cả không có tiền sử trầm cảm, vẫn có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm nếu giấc ngủ không được bảo đảm.

Ngoài ra, khi giấc ngủ bị gián đoạn, bộ não chỉ có thể dành rất ít thời gian cho trạng thái REM (giai đoạn ngủ sâu và mơ). Hậu quả là con người cảm thấy chậm chạp, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và ghi nhớ, làm mất tập trung, giảm hiệu suất công việc.

Giao Linh, Võ Thu, Vũ Lụa