Ngày 19/4, Công an tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội

Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ năm 2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận 54 vụ các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với khoảng 31,5 tỷ đồng.

Mới đây, anh T. (ngụ tỉnh Đồng Tháp) nhận được cuộc gọi điện thoại của đối tượng tự xưng là tổng đài của một ngân hàng. "Nhân viên ngân hàng” hỏi anh T. có nhu cầu vay vốn để làm ăn hay không. Anh T. nói cần vay 50 triệu đồng. 

“Nhân viên ngân hàng” yêu cầu anh T. chụp căn cước công dân gửi qua để làm hồ sơ vay. Đồng thời, đối tượng gửi cho anh phiếu khai thông tin của khách hàng vay và yêu cầu phải đóng hơn 1,6 triệu đồng phí làm hồ sơ.

Sau đó, đối tượng đưa ra nhiều lý do như: Hồ sơ thẩm định đã duyệt rồi, nhưng chưa thống kê hàng tháng số tiền thu nhập của người vay, số tài khoản bị sai thông tin, hệ thống bên kho bạc bị treo…

“Nhân viên ngân hàng” tiếp tục yêu cầu anh T. chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng. Đến khi đã chuyển 13 triệu đồng mà không nhận được tiền vay, người đàn ông này mới biết mình bị lừa nên đến công an trình báo.  

Người phụ nữ bị lừa đảo qua mạng đến công an trình báo. Ảnh: Ngọc Hân. 

Còn chị N. (35 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự) kết bạn, trò chuyện với một tài khoản trên Facebook tên "Nguyễn Thanh Phong”. 

Ngày 16/3, chị N. được người bạn nói trên đề nghị tham gia chương trình "Tri ân khách hàng” diễn ra trên trang web tikiz.vip. Khi tham gia chương trình, chị N. được cấp một mã mời bí mật, và khi đăng ký sẽ được kích hoạt để mua hàng với chiết khấu cao từ 20% - 50%, và sau đó sẽ trả toàn bộ số tiền mua hàng và tiền hoa hồng (chiết khấu). 

Chị N. đồng ý tham gia và được hướng dẫn tạo tài khoản tham gia sự kiện trên trang tikiz.vip. Đơn hàng đầu tiên, chị N. chuyển 8,8 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng và nhận lại hơn 10,5 triệu đồng.

Chị N. tiếp tục gom tiền chuyển cho đối tượng hơn 2,9 tỷ đồng. 

Sau đó, cần tiền nên chị N. yêu cầu “Nguyễn Thanh Phong” cho rút tiền. Lúc này, chị N. chỉ nhận được khoảng 74 triệu đồng. 

Chị N. tiếp tục yêu cầu nhận lại tiền nhưng Phong đưa ra nhiều lý do để không cho rút tiền. Nghi mình bị lừa nên chị N. đến trình báo công an.

Cảnh báo của công an

Đại úy Nguyễn Trường Kỳ, Phó Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Đồng Tháp) đưa cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội xuất hiện gần đây.

Đại úy Nguyễn Trường Kỳ cho biết, thủ đoạn của bọn lừa đảo là chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo, Facebook của bạn bè, người thân để nhắn tin mượn tiền. 

Thủ đoạn thứ hai, sử dụng công nghệ Deepfake ghép mặt, giả giọng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn thứ ba, giả danh cán bộ thuế, hướng dẫn cài đặt các app giả mạo để đánh cắp thông tin người dùng rồi chiếm đoạt tài sản.

“Một số thủ đoạn khác là gọi điện giả danh giáo viên, công an thông báo người thân bị tai nạn yêu cầu chuyển tiền đóng tiền viện phí. Tạo tài khoản mạng xã hội mạo danh người có ảnh hưởng uy tín để nhắn tin mượn tiền”, Đại úy Kỳ cảnh báo. 

Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, gần đây có thêm thủ đoạn lừa đảo mới là kêu gọi tham gia đầu tư trên sàn giao dịch tiền ảo. 

Theo đó, các đối tượng lập trình ra các sàn giao dịch tiền ảo và sử dụng mạng xã hội để đăng quảng cáo với những lời mời gọi hấp dẫn như: đầu tư ít sinh lãi cao, không mất tiền đầu tư, ngồi không tiền cũng về, đặc biệt có các chuyên gia hướng dẫn nên đảm bảo an toàn và sinh lãi cao...

Để thu hút người tham gia đầu tư, ban đầu khi người dân tham gia vào số tiền ít, đối tượng sẽ trả lại tiền lãi ngay để người đầu tư tin tưởng. 

Khi thấy bị hại không nghi ngờ, các đối tượng yêu cầu nạp tiền và quy đổi tiền thật sang tiền ảo để tham gia đầu tư. Khi bị hại tham gia số tiền lớn thì các đối tượng bất ngờ cho sập trang web, app không thể rút tiền về, liên tục báo lỗi không thể truy cập tài khoản, và người đầu tư mất toàn bộ số tiền tham gia ban đầu.

Thủ đoạn lừa đảo hack Zalo, Facebook để mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền, các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác rất cao, và tìm hiểu các mối quan hệ của tài khoản vừa chiếm đoạt để nhắn tin, gọi video giả giọng nói để vay tiền người thân, nhờ chuyển tiền cho người thân bị tai nạn cần tiền để cấp cứu rồi chiếm đoạt tài sản. 

Đặc điểm chung của những cuộc gọi video giả mạo này thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu kém. 

Đại úy Nguyễn Trường Kỳ khuyến cáo: “Qua các vụ việc lừa đảo công nghệ cao người dân tuyệt đối không nghe lời mời, quảng cáo tham gia làm nhiệm vụ trên các app không rõ nguồn gốc, các ứng dụng di động website đặt đơn hàng ảo trên mạng với lãi suất cao hấp dẫn. Cảnh giác với số điện thoại lạ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không chuyển tiền, đặc biệt là những người tự xưng công an”.