- Chồng tôi qua đời đột ngột do tai nạn giao thông cách đây 4 năm. Tôi một mình nuôi con nhỏ trong suốt quãng thời gian đó. Khi ấy, bố mẹ chồng đều hắt hủi không trợ giúp hai mẹ con, do con tôi là con gái.
Nay tôi gặp được người đàn ông tử tế, muốn cưới tôi làm vợ và đồng ý nuôi cả con tôi. Nhưng nhà chồng tôi trở mặt, nằng nặc đòi lại cháu. Xin nhờ luật sư cho biết tôi có quyền được nuôi con của mình không. Con tôi hiện tại mới được 5 tuổi.
Nay mẹ chồng tôi trở mặt, đòi giành quyền nuôi cháu (Ảnh minh họa) |
Luật Hôn nhân gia đình 2014, “Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân
Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.
Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”
Theo quy định tại Điều 71, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2013 thì quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trước tiên thuộc về cha, mẹ của cháu:
“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”
Theo đó, thì mẹ có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con khi bố cháu mất. Do đó khi cha và mẹ có đủ năng lực hành vi và đủ điều kiện để nuôi con thì ông, bà không có quyền giành quyền nuôi cháu. Khi Tòa án tuyên cha và mẹ không đủ điều kiện nuôi con thì lúc đó mới chuyển quyền nuôi con về cho ông bà hoặc anh chị nuôi theo quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự năm 2005. Cụ thể
“Điều 61. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:
1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.”
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc