Điều chỉnh bản thân

Trong giai đoạn đầu của hôn nhân cần tìm hiểu xem cách chi tiêu trong gia đình chồng từ trước đến nay như thế nào? Nếu trong trường hợp bà chỉ giữ hộ sau 2 vợ chồng cần bà sẽ đưa cho thì không có vấn đề gì, tất nhiên là vẫn bất tiện khi có những việc lớn cần phải chi tiêu.

Chia sẻ với chồng

Có thể từ trước khi bạn về nhà, quyền quản lý tài chính vẫn được kiểm soát dưới tay mẹ chồng. Hãy thật tế nhị kín đáo lựa chọn thời điểm để chia sẻ những lo lắng của mình với chồng, trao đổi cởi mở với nhau cũng là cách giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn. Nếu trong trường hợp chồng quen bị mẹ áp đặt mọi thứ từ nhỏ thì việc thay đổi thói quen cần có thời gian và cần có sự tác động.

Ít nhất hãy giúp anh ấy hiểu rằng đây là thời điểm vợ chồng cần độc lập hơn, việc tự quyết định về cuộc sống cũng như tài chính của mình chính là cách để học được cách độc lập và trưởng thành để làm chủ gia đình nhỏ của mình.

me chong quan ly tai chinh, phai lam sao hinh anh 1
Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn lấy được người đàn ông tâm lý, nghe và chiều vợ. Mọi việc sẽ không dễ dàng nếu chồng bạn lại là người vô tâm, không thích can dự vào những rắc rối gia đình mà anh ấy xem là “chuyện đàn bà lặt vặt” và lảng tránh vai trò cầu nối.

Trao đổi thẳng thắn với mẹ chồng

Mẹ chồng nàng dâu khó chịu với nhau do sự khác biệt về quan điểm và thói quen chi tiêu (chẳng hạn con phóng tay, mẹ tiết kiệm hoặc ngược lại) là chuyện của rất nhiều gia đình. Mâu thuẫn này thường ngấm ngầm vì tâm lý ngại nói về tiền nong. Việc im lặng hay chống đối mẹ chồng sẽ không giải quyết được vấn đề mà sẽ khiến hai người xa nhau thêm.

me chong quan ly tai chinh, phai lam sao hinh anh 2
Ảnh minh họa 

Con dâu – một “người lạ” bước chân vào một cộng đồng đã thống nhất và định hình lối sống từ mấy chục năm nay là người đầu tiên phải điều chỉnh để hòa nhập được vào gia đình. Bạn cũng nên bày tỏ quan điểm của mình với mẹ chồng về việc quản lý tài chính. Có thể lúc đầu, mẹ chồng sẽ giận nhưng một thời gian sau, mọi chuyện sẽ ổn thỏa hơn. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con dâu cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng trước những việc chi tiêu trong gia đình. Điều này sẽ khiến bà có tâm lý được tôn trọng và cởi mở hơn. Ngoài ra, con dâu cũng nên học cách chi tiêu tiết kiệm, không chỉ trích bất kỳ thói quen sinh hoạt nào của nhà chồng.

Về lâu về dài thì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có tốt đẹp được hay không lại ở tấm lòng thành của bạn. Mọi mưu mẹo khéo léo chỉ là giải pháp tạm thời, khi hai bên còn chưa hiểu nhau. Nếu lúc nào bạn cũng xem mẹ chồng như một “đối thủ” phải đấu trí thì mối quan hệ sẽ căng thẳng. Giữa hai thế hệ luôn có sự khác biệt, ngay cả bạn với bố mẹ ruột cũng có nhiều cái bất đồng quan điểm, huống chi là mẹ chồng. Nhưng tình thương sẽ là cầu nối để tạo mối thông cảm, nhường nhịn và khi đó, bạn chẳng cần phải đâu đầu nghĩ kế, những mâu thuẫn sẽ tự hóa giải từ trái tim của mỗi người.

Theo VOV