Khi tàu HQ-936 qua vùng biển đảo Gạc Ma, hai mắt chị Trần Thị Thủy đỏ hoe, ngấn nước khi nghe tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên trong lễ tưởng niệm. Lúc ấy, trong tâm trí chị, hình bóng của cha cùng đồng đội hiện lên hiên ngang dưới quốc kỳ.
Lời tòa soạn:
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin…
64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. 35 năm qua, những câu chuyện anh dũng về những tấm gương quên mình hy sinh vẫn lưu truyền mãi. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu những câu chuyện bất khuất không thể nào quên...
Những bức ảnh kỷ niệm
Tháng 3 về, đứng lặng trước hiên nhà, bà Lê Thị Hà (56 tuổi) lại nhớ về chồng mình là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (Lữ đoàn 146), hy sinh ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma. Khẽ lau di ảnh chồng, bà buông tiếng thở dài: “Từ khi anh đi, rồi con gái trưởng thành đi làm xa, ngôi nhà vắng vẻ hẳn”.
Trong ký ức bà Hà, hình ảnh chồng hiện lên với dáng người cao dong dỏng, khuôn mặt hiền, hay cười, chỉ pha trò.
Bà Hà kể, hai người tổ chức hôn lễ vào đầu năm 1986. Cuối năm đó, họ có con gái đầu lòng, đặt tên là Đinh Thị Mỹ Lệ.
Hồi đó cuộc sống khó khăn. Chồng công tác trong đơn vị, tuần về hai lần. Bà thì theo mẹ làm đủ việc, phụ kinh tế. Khi con gái 13 tháng tuổi, chồng về nhà thỏ thẻ mình đi làm nhiệm vụ, ra đảo Gạc Ma.
“Tôi không ngăn cản, bởi anh là người lính và có chí bảo vệ Tổ quốc. Thân làm vợ thì mừng và hãnh diện”, bà Hà nhớ lại.
Năm đó, trước khi đi, chồng bà mang hết đồ kỷ niệm ở đơn vị cho vào rương đưa về nhà. Ông hứa hoàn thành nhiệm vụ tốt rồi sẽ xin nghỉ phép đưa hai mẹ con về Ninh Khang (Hoa Lư, Ninh Bình) thăm nhà nội.
Nào ngờ ngày 14/3/1988, chồng bà ra đi mãi mãi trong sự kiện Gạc Ma, khi con gái còn rất nhỏ. Nhắc đến đây, người vợ lại rưng rưng, không ngừng thổn thức, khi nhớ như in lời hẹn ước cuối cùng của chồng là một lần đưa mẹ con về quê nội.
"Tôi như người mất hồn khi hay tin anh hy sinh. Cứ nhắm mắt là hình ảnh chồng lại hiện về. Anh đàng hoàng, chết hiên ngang", vợ liệt sĩ thổ lộ.
Víu những tấm ảnh cũ, bà Hà nói đó là kỷ vật còn sót lại, để con gái Mỹ Lệ hình dung được vóc dáng, hình ảnh cha của mình. Rồi những tấm ảnh đã ố vàng, theo mẹ con bà từ mái nhà tranh cho đến ngôi nhà mái ngói.
Bà nhớ lại, một năm sau ngày chồng hy sinh, kẻ trộm vào nhà thấy cái rương khuân đi mất. Bà Hà cứ quanh quẩn tìm, xem trộm có vứt lại cuốn nhật ký còn lưu nét bút của chồng không, nhưng không thấy. May bà giữ lại được 6 tấm ảnh cưới.
Cuộc sống vốn khó khăn, 35 năm vắng chồng, không còn người đàn ông trụ cột, những lo toan dồn lên đôi vai người phụ nữ ấy. Bà làm đủ việc, nhiều năm theo các đội xây dựng làm phụ hồ, nuôi con gái ăn học.
Đáp lại, con gái Mỹ Lệ ngoan ngoãn, học giỏi, tốt nghiệp đại học và lưu lại TP.HCM với công việc ổn định. Hai mẹ con cũng nhiều lần về quê chồng. Điều này phần nào giúp người mẹ như bà Hà thêm phần an ủi, và chồng cũng an lòng khi hy sinh vì Tổ quốc.
Những ngày này, bà Hà bảo nỗi nhớ chồng không lấy gì lấp đầy. Những kỷ vật là các tấm ảnh cưới cũ, sờn, kỷ vật vô giá của gia đình đã tặng khu tưởng niệm Gạc Ma ở huyện Cam Lâm. Bà cũng xem đây là nơi an nghỉ của chồng mình cùng các chiến sĩ hải quân đã ngã xuống vì biển đảo của Tổ quốc. Mỗi năm, tới ngày 14/3, bà lại tới đây thắp nén nhang cho chồng, cho đồng đội của ông.
Con gái liệt sĩ nối nghiệp cha bảo vệ đất nước
Cách đó chừng vài cây số, chị Trần Thị Thủy (35 tuổi) nâng niu lá thư của cha là liệt sĩ Trần Văn Phương (Lữ đoàn 146), nay đã úa vàng. Chị cho biết đó là lá thư còn sót lại được cha gửi cho mẹ trước lúc hy sinh. Những hàng chữ viết được trau chuốt, chứa đựng tình yêu thương mà cha của chị gửi gắm mẹ cô. Trong đó, người cha viết “Đi chuyến công tác này về anh sẽ xin xuất ngũ. Anh về sẽ không làm gì cả, chỉ ở nhà để giữ nhà cho em…”.
Cha mẹ cùng quê, có tình cảm với nhau rồi tổ chức đám cưới khi ông đang công tác trong quân đội. Sau đó, cha cô rời đất liền ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa. Năm 1988, cha được nghỉ phép, gia đình đoàn viên. Mẹ tiễn cha vào đơn vị, nhưng không ngờ chuyến đi đó là mãi mãi không về. Cha cùng 63 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến ở Gạc Ma, ngày 14/3/1988.
Cha mất khi chị Thủy còn trong bụng mẹ. Cô con gái được đặt tên là Thủy – nghĩa là nước với ước mong “mạch nguồn” ngọt ngào ấy sẽ chảy mãi, gắn kết cha mẹ lại với nhau. Con gái lớn lên trong căn nhà bên dòng sông Gianh ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).
Với chị Thủy, chân dung người cha là những mảnh ký ức được vun vén qua lời kể của bà, của mẹ và từ đồng đội của bố, niềm tự hào về người cha anh hùng dần nhen nhóm trong chị. Lớn lên, tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại Đại học Quảng Bình năm 2009, chị xin làm việc tại UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa).
Chị bảo mình là người may mắn khi 3 lần được ra Trường Sa. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đẹp và hun đúc cho chị tình yêu về biển đảo. Trong đó, ấn tượng với chị là chuyến theo đoàn công tác ra Trường Sa trên con tàu HQ-936, hồi cuối tháng 3/2010.
Hồi ấy, tàu lắc lư theo sóng. Loa phát thông báo tàu qua vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma – Len Đao. Đang chống chọi cảm giác say sóng, song chị bật dậy. Đứng ở boong tàu, hai mắt chị đỏ hoe, ngấn nước khi nghe tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên trong lễ tưởng niệm. Khi ấy, trong tâm trí chị, hình bóng của cha cùng đồng đội hiện lên hiên ngang dưới quốc kỳ. Tàu rẽ sóng đi xa, chị chỉ biết hướng mắt nhìn về đảo và khóc.
“Lúc đó, sóng điện thoại hiện lên, tôi liền gọi cho mẹ. Mẹ bật khóc khi nghe tôi thốt lên trong cuộc điện thoại: “Mẹ ơi! Con đã nhìn thấy cha ở đảo Gạc Ma”, chị Thủy nhớ lại.
Trên con tàu đó, chị may mắn gặp Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh. Không ai thúc giục, chị viết lá đơn xin nhập ngũ ở Quân chủng Hải quân, rồi được thủ trưởng đồng ý phê chuẩn. Từ đó được khoác lên mình quân phục, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ đất nước của cha.
Niềm vui nhân đôi hơn khi công tác tại đây, chị gặp thiếu úy Nguyễn Hồ Hải - một chiến sĩ cùng quê. Hai người kết hôn và sinh con đầu lòng vài năm sau đó. Bé gái đầu lòng được vợ chồng đặt tên Nguyễn Trần Navy (Navy - tiếng Anh nghĩa là Hải quân); bé thứ hai tên là Nguyễn Trần Trúc Giang.
Ngoài công việc, vợ chồng chị thường hun đúc cho hai con về tình yêu quê hương, biển đảo. Trong đó, có câu chuyện của ông ngoại cùng những người anh hùng đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma để con trẻ hiểu, tự hào về truyền thống anh dũng của các bậc tiền nhân.
Trong những câu chuyện đó, chị vẫn luôn kể cho con mình nghe câu của ông ngoại trước khi mất là liệt sĩ Trần Văn Phương nói với đồng đội: "Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo" với một niềm tự hào mình là con của bố Phương.
Trong thư gửi về nhà, liệt sĩ Lê Thế dặn mẹ giữ gìn sức khỏe, hứa sẽ sớm về lại Đà Nẵng nhưng không ngờ đó mãi là lời hẹn ước dở dang. Anh cùng 63 chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
“Vòng tròn bất tử” được các anh tay không tạo ra dưới lửa đạn đã được tái hiện tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma từ năm 2017 với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời”.