Hiện tượng Kumanthong và sự biến tướng
Kumanthong, hay “cậu bé vàng”, bắt nguồn từ văn hóa Thái Lan, thường được thờ cúng để cầu may mắn và bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, qua thời gian, hình tượng này đã bị biến tướng, trở thành một đối tượng thương mại hóa với nhiều quan niệm lệch lạc.

Tại Thái Lan, từ gần 10 năm trước, sự phổ biến của búp bê Kumanthong hay tiếng Thái gọi là "luk thep” tăng lên sau khi một số ngôi sao nổi tiếng nước này khẳng định những con búp bê họ “nuôi" đã mang lại may mắn cho họ.

Các dịch vụ thương mại hóa búp bê này cũng phát triển mạnh mẽ, từ quần áo, trang sức đến cả dịch vụ ăn uống trên máy bay. Một hãng hàng không nội địa Thái Lan từng phục vụ đồ uống cho búp bê Kumanthong nếu chủ nhân mua vé cho chúng.

Không chỉ giới hạn tại Thái Lan, Kumanthong đã lan sang các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Singapore, và cả Trung Quốc, nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội. Nhiều người, đặc biệt là học sinh, bị hấp dẫn bởi những câu chuyện huyền bí, kỳ lạ liên quan đến loại búp bê này, dẫn đến hiện tượng mua về “nuôi” để cầu tài lộc, học giỏi hay đạt điểm cao.

phu nu.png
Một phụ nữ đợi ở bến xe bus tại Nakhon Sawan, Thái Lan cùng búp bê Kumanthong của mình. Ảnh: Usatoday

Chị Han, một phụ huynh có con học lớp 8 tại Trung Quốc, từng chia sẻ rằng chị sốc và sợ hãi khi nhìn thấy một con búp bê với những hình vẽ kỳ lạ trên mặt trong tủ quần áo của con gái mình.

Con gái của Han nói rằng con búp bê đó tên là Kumanthong. "Tôi đã tìm kiếm trên mạng và phát hiện việc chăm sóc Kumanthong giống như 'nuôi một con ma nhỏ'. Điều đó thật kinh khủng", chị Han nói với The Paper.

Ngoài Kumanthong, con gái chị Han còn cất một lọ bột “jiangtou” trong tủ quần áo. Cô bé nói thứ bột này được sử dụng như “bùa đen” để khiến ai đó phải làm theo ý mình hoặc gặp điềm gở.

Chia sẻ với Global Times, chuyên gia pháp lý Zhang Bo (Trung Quốc), cho biết, các vật phẩm mê tín như Kumanthong và “bùa đen” bị cấm giao dịch tại Trung Quốc, và những người bán chúng có thể bị buộc tội lừa đảo. Tuy nhiên, việc kiểm soát các giao dịch ngầm này rất khó khăn do hầu hết hoạt động diễn ra trực tuyến và trong các hội nhóm kín.

Đáng lo ngại hơn, một số người bán có thể lợi dụng niềm tin mù quáng của khách hàng để kích động họ gây tổn hại đến người khác, đặc biệt khi người mua là trẻ vị thành niên, thiếu khả năng phân biệt đúng sai.

Theo các chuyên gia, trẻ em và thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị ảnh hưởng tâm lý - có thể phát triển tâm lý lệ thuộc vào búp bê, thậm chí lo sợ bị trừng phạt nếu không chăm sóc đầy đủ.

kumathong.jpg
Một búp bê bị cơ quan công an nghi là Kumanthong không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Ảnh: CACC

Tại quê hương của Kunmathong, các chuyên gia tâm lý và văn hóa đều cảnh báo về hệ lụy của việc thờ cúng loại búp bê này. Theo Trung tâm Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), trào lưu này có thể vô hại nếu chỉ mang lại cảm giác thoải mái cho người thờ cúng. Tuy nhiên, khi niềm tin vượt qua ranh giới thực tế, gây ra ảo tưởng hoặc rối loạn tâm lý, nó trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Lãnh đạo Cục Sức khỏe Tâm thần Thái Lan cũng từng nhận định: “Búp bê Kumanthong là sự kết hợp khéo léo giữa mê tín dị đoan và thời đại kỹ thuật số”, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các giá trị tôn giáo chính thống, tránh xa mê tín dị đoan.

Tại Việt Nam, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã phát đi cảnh báo, yêu cầu tăng cường tuyên truyền để học sinh hiểu rõ hơn về mê tín dị đoan và tác hại của việc thờ cúng Kumanthong.

Phụ huynh cũng cần giáo dục con em mình về những giá trị đúng đắn, giúp trẻ phân biệt giữa khoa học và tín ngưỡng.

Cộng đồng cần nâng cao nhận thức để tránh bị cuốn vào những trào lưu mê tín thiếu căn cứ. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng này.