Trong căn phòng trọ thuộc con hẻm nhỏ đường Trần Thị Kỷ (TP.HCM), mẹ con chị Thu được phân cho một chiếc giường nơi góc phòng. Mỗi ngày, chi phí 40 nghìn đồng xem như phụ chủ nhà tiền điện nước. Đây đã là vận may lớn nhất của mẹ con chị trong gần 4 tháng lăn lộn ở thành phố, chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo mà cậu bé Trần Minh Hoài (11 tuổi) đang mang trong mình.

Trở lại thành phố sau Tết Nguyên Đán, chị Thu thấp giọng, bi đát nói: “Không biết con còn được đón bao nhiêu cái Tết cùng cha mẹ và các em nữa…”.

Đến tận bây giờ, chị Thu vẫn cảm thấy tiếc nuối vì mất quá nhiều thời gian để chẩn đoán đúng bệnh của con trai, khiến Hoài mất cơ hội điều trị sớm. 

{keywords}
Đôi chân khuyết tật của chị Thu chẳng thể cõng hay dìu con đi mỗi lúc kiệt sức.

Khoảng tháng 5 năm 2021, Hoài bị phát hạch ở cổ, đúng thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại TP.HCM. Ban đầu hạch chỉ bé bằng hạt đậu, sau rồi cứ sưng dần lên. Chị Thu đưa con trai đi khám ở nhiều cơ sở y tế địa phương đều nhận được kết quả hạch lành tính. Nhưng càng ngày nó càng lan nhiều nên gia đình chẳng thể yên tâm. Dù vậy, dịch bệnh căng thẳng ở thành phố và các tỉnh lân cận khiến vợ chồng chị tần ngần, không dám đưa con lên bệnh viện lớn.

Mất 6 tháng ròng đi khám ở nhiều nơi, tới tháng 11 chị mới có thể đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Nhận được kết quả từ bác sĩ, vợ chồng chị như chết điếng. Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị ung thư hạch, lập tức chuyển sang Bệnh viện Ung bướu để điều trị.

Đắng cay hơn, tại Bệnh viện Ung bướu, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ cho hay, Hoài bị ung thư hạch đã di căn. 

{keywords}
Phát hiện quá muộn, Hoài bị ung thư hạch, đã di căn.
{keywords}
Đứa trẻ đáng thương thấu hiểu hoàn cảnh của mình nên luôn buồn bã, trầm lặng.

Hoài được nhập viện để điều trị và truyền hóa chất. Mỗi đợt thuốc, con hay bị ói, sốt, thường xuyên thiếu máu, không ăn uống được gì. Đặc biệt, những toa thuốc đặc trị khiến con kiệt quệ, sốt cao triền miên. Dù đau nhức nhưng cậu bé vẫn cố gắng tự mình đi bộ từ nhà trọ vào bệnh viện, bởi đôi chân khuyết tật của chị Thu chẳng thể dìu hay cõng con.

Có lần, sau khi truyền hóa chất, Hoài yếu ớt đến ngã khuỵu, nhưng chị Thu chẳng đỡ nổi con trai dậy. Những khi ấy, cõi lòng chị như bị ngàn dao đâm, nước mắt ào tuôn. Nhờ những cha mẹ bệnh nhi khác phụ đỡ, chị mới có thể đưa con về nhà trọ. 

“Giờ hạch nổi nhiều lắm rồi, từ đầu xuống chân con. Hôm đi siêu âm, bác sĩ nói trong bụng con cũng có rất nhiều hạch. Bác nói bệnh bé nặng, cần phải theo dõi thêm mới đánh giá được con có đáp ứng thuốc hay không”, người mẹ đau xót nói.

Cuộc sống khó khăn, nhất là khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo khiến chị Thu như già đi cả chục tuổi. Trận hỏa hoạn khi còn nhỏ đã khiến chị bị cháy xém mất bàn chân trái, đi lại bất tiện, chăm sóc con lại càng chật vật hơn. Dù vậy, chị vẫn quyết tâm đưa con đi chữa bệnh, bởi chồng còn phải ở nhà kiếm tiền lo cho cả gia đình.

Anh Trần Vũ Linh (chồng chị) làm nghề biển, thường theo chủ ghe lênh đênh nơi sóng cả, mỗi đợt ra khơi khoảng 10 ngày đến cả nửa tháng. Khi nào được nhiều thì mang về cho chị 2-3 triệu đồng, nhưng cũng có khi lỗ vốn, thu nhập hết sức bấp bênh. Trước khi con trai đổ bệnh, chị Thu làm công việc lặt vặt như rửa bát, làm thịt cá ngoài chợ, phụ chồng tiền ăn cho cả nhà. Nhưng tới giờ, gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai anh.

{keywords}
Anh Trần Vũ Linh và 2 con gái trong căn nhà xuống cấp trầm trọng ở quê.

Hoài chỉ được bảo hiểm y tế chi trả 80%, còn lại gia đình tự túc. Thêm vào đó là chi phí mướn trọ, đi lại, ăn uống, thuốc thang, có tháng 2 mẹ con chi phí hết gần 20 triệu đồng. Chị Thu tá hỏa gọi cho chồng, nhưng anh cũng chẳng cách nào gánh vác.

6 tháng dưới quê đưa Hoài đi khắp nơi khám bệnh đã “ngốn sạch” số tiền tiết kiệm hơn 10 triệu đồng, thậm chí còn phải vay thêm. Vì vậy, khi con lên thành phố chữa bệnh, chị Thu buộc phải chạy vạy khắp nơi. Đến nay, nợ chưa thể trả nên không vay tiếp được, mà bệnh của con lại chẳng thể chờ đợi.

Giờ đây, người mẹ khốn khổ đã chẳng có cách nào lo được số tiền để đóng viện phí cho toa thuốc sắp tới. Tay xoa nhẹ mái tóc của con trai, chị nấc nghẹn: “Nếu không lo được thì tôi đành đưa con về chứ biết làm sao bây giờ…”.

Khánh Hòa

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Chị Trần Huỳnh Thu hoặc anh Trần Vũ Linh; Địa chỉ: Ấp Mương Đào C, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Số điện thoại: 0766530284 hoặc 0339114463.
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2022.039 (Bé Trần Minh Hoài)
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. SĐT: 028 3818 1436.
Giấc ngủ nhọc nhằn trên yên xe của cậu bé bị suy thận giai đoạn cuối

Giấc ngủ nhọc nhằn trên yên xe của cậu bé bị suy thận giai đoạn cuối

“Tôi vừa đèo con đi chạy thận vừa khóc. 4 giờ sáng, khi con người ta còn đang ngon giấc thì con mình lại gật gù sau lưng mẹ, chịu nỗi đau giày vò để đi tìm sự sống”, chị Hảo cố ngăn những dòng nước mắt đang lăn dài.