Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, hơn 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Do địa hình đồi núi đá, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lại ít, nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn cao (hơn 50%).
Sau 1 năm triển khai, hơn 550 hộ nghèo, cận nghèo ở Mèo Vạc đã được xây mới nhà ở kiên cố, khang trang từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Những ngôi nhà được xây mới đảm bảo bền chắc, phù hợp với bản sắc của từng dân tộc và các mẫu nhà được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mỗi khi mùa mưa, bão đến, nỗi bất an trong gia đình anh Vàng Mí Kỷ, thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, càng tăng, bởi gia đình anh phải chen nhau sống trong căn nhà dột nát, xuống cấp. Điều kiện khó khăn, có được ngôi nhà kiên cố là mơ ước xa vời với anh.
Qua bình xét, gia đình anh đủ điều kiện được vào danh sách hỗ trợ xây nhà ở. Cùng với số tiền hỗ trợ, anh bán thêm một con bò bù vào mua vật liệu xây dựng. Quá trình thi công xây dựng còn được hàng xóm đến giúp đỡ ngày công. Chứng kiến căn nhà mơ ước từng bước hoàn thiện, anh nói, đây là nguồn động viên rất lớn giúp gia đình hộ nghèo như anh ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.
Tại xã Sủng Trà, thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay, toàn xã triển khai xây dựng được 47 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.
Trên toàn huyện Mèo Vạc, việc hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG được triển khai chặt chẽ, từ việc họp thôn, lựa chọn các hộ được hỗ trợ đến khi hoàn thành bàn giao nhà và đưa vào sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Huyện thường xuyên cử cán bộ nắm cơ sở kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng các địa phương trong quá trình triển khai hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Thực tế, trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, dự án đối diện với không ít khó khăn, như vật liệu xây dựng không có sẵn tại địa phương; nhiều hộ phải chở vật liệu bằng xe máy do chưa có đường ô tô; khả năng đối ứng vốn của một số hộ còn khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ thôn, bản đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương tại Mèo Vạc và người dân đã dần khắc phục khó khăn.
Lo nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà không bảo đảm an toàn cho người dân, Mèo Vạc còn linh hoạt vận dụng các nguồn hỗ trợ từ chương trình ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, huyện Mèo Vạc có khoảng 1.000 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được an cư trong những ngôi nhà kiên cố.
Nhờ an cư, nhiều hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo đa chiều. Đơn cử như gia đình chị Ly Thị Dính, người dân tộc H'Mông ở thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn. Trước đây chị luôn nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương, kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào mảnh nương trồng ít ngô.
"Nhiều lúc ăn còn không đủ nên, chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày gia đình tự xây, sửa được ngôi nhà cũ đã xuống cấp", chị nói. Nhờ được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình MTGQ, chị và gia đình được sống trong ngôi nhà mới xây rộng rãi, kiên cố. Chị còn được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò phát triển kinh tế. Đây là động lực để gia đình thoát nghèo trong thời gian tới.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc nhấn mạnh, là địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn thấp, nên các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà chính là cơ hội lớn để đồng bào được an cư trong những ngôi nhà bảo đảm tiêu chuẩn.
Theo dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Mèo Vạc được phân bổ gần 46 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho 1.045 hộ có khó khăn về nhà ở. Đây là nguồn lực quan trọng và cần thiết trong bối cảnh điều kiện của huyện vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, người dân ở các thôn, bản cũng là nguồn lực to lớn góp phần giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sớm xóa nhà tạm, nhà không bảo đảm chất lượng ở địa phương.
Đơn cử, giữa tháng 8, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Giang phối hợp với doanh nghiệp và UBND 2 xã Tả Lủng, Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) tổ chức trao kinh phí hỗ trợ 7 hộ nghèo thuộc hai xã này xây dựng nhà ở. Chương trình nhằm hiện thực hoá lời kêu gọi "chung tay xóa nhà tạm" cho người nghèo.
Mỗi hộ được hỗ trợ từ 15-30 triệu đồng để bổ sung kinh phí xây dựng nhà ở kiên cố. Tổng kinh phí hỗ trợ các hộ trên 150 triệu đồng. Sau thời gian triển khai thi công, đến nay đã có 5/7 hộ hoàn thành đưa vào sử dụng, còn 2 hộ hoàn thiện 90% khối lượng công trình xây dựng nhà ở.