Tà đạo “San sư khẻ tọ” xuất hiện trên địa bàn huyện Mèo Vạc từ năm 1990, hiện nay đang hoạt động tại một số xã trên địa bàn huyện.
Trong thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tà đạo “San sư khẻ tọ”, vận động các hộ theo tà đạo quay lại tín ngưỡng, tập quán truyền thống của dân tộc, địa phương. Trong đợt 2 này, huyện Mèo Vạc đã vận dụng các biện pháp để tuyên truyền, kết quả từ ngày 15/8 đến ngày 30/10 đã tuyên truyền, vận động được 47 hộ, với 274 khẩu tại 11 xã quay lại tín ngưỡng truyền thống.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ theo tà đạo quay lại tín ngưỡng truyền thống; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền vận động; tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật tín ngưỡng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng các tà đạo để lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động chống Đảng, nhà nước...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Tú ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động thời gian qua. Trong thời gian tới, đề nghịtiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khuyến cáo người dân không tin, không nghe các tà đạo; thực hiện tốt công tác quản lý về tôn giáo, đặc biệt là định hướng các hoạt động tín ngưỡng theo phong tục truyền thống và phù hợp với pháp luật Việt Nam; các ngành thành viên và các tổ công tác nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình, theo hướng sâu sát, thường xuyên, liên tục; chủ động nắm bắt tình hình, dự báo các hoạt động của các nhóm tà đạo để xử lý theo quy định;… Đồng chí cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên Ban Chỉ đạo huyện và các xã, thị trấn.
Nỗ lực đẩy lùi hủ tục trong đồng bào DTTS
Mèo Vạc là huyện vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Đồng bào các dân tộc trong huyện là chủ nhân của kho tàng văn hóa độc đáo, đặc sắc, song cũng tồn tại một số hủ tục lạc hậu.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy, những hủ tục nổi lên là tình trạng tảo hôn, kéo vợ, thách cưới cao vẫn còn phổ biến. Tổ chức đám tang còn để dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, một số dòng họ chưa đưa người chết vào áo quan; một số hộ gia đình có người ốm không đưa đi khám chữa bệnh kịp thời mà mời thầy về cúng; còn tình trạng trọng nam khinh nữ; nhiều gia đình dân tộc thiểu số chưa có nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại gia súc vẫn còn gần nhà ở…
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy Hà Giang về thực hiện nếp sống văn minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề nhằm vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Nổi bật là Nghị quyết về hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ ba, Chương trình của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Đề án của Ban Thường vụ Huyện ủy về cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2019 - 2022 và những năm tiếp theo…
Cấp ủy, chính quyền cơ sở được Huyện ủy yêu cầu tập trung chỉ đạo xóa bỏ các hủ tục lạc hậu theo từng thôn bản, từng dân tộc, dòng họ. Quá trình thực hiện không nóng vội mà phải làm từng bước, việc gì dễ làm trước, việc gì khó làm sau; các nội dung xóa bỏ các hủ tục lạc hậu phải được đưa vào hương ước, quy ước thôn, bản.
Trong quá trình thực hiện, các đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách địa bàn phải tiến hành theo dõi, đôn đốc. Tổ chức ký cam kết giữa cấp ủy với các chi bộ, chi bộ với đảng viên để triển khai thực hiện.
Định kỳ hàng tháng trong chương trình công tác, Đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức quán triệt đến các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ, các đoàn thể xã, bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, cán bộ, đảng viên nắm được để gương mẫu thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu.