Ví điện tử đang trở thành một công cụ giúp người dùng không còn phụ thuộc vào tiền giấy hoặc thẻ ATM vật lý. Tiện lợi, nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với các phương thức thanh toán truyền thống, người dùng giờ đây ưu tiên sử dụng ví điện tử bất cứ khi nào có thể, dù chỉ là thanh toán cho 1 ly trà sữa.
Tuy nhiên, ví điện tử liên tục giảm giá, hoàn tiền, tặng mã khuyến mãi khiến không ít khách hàng băn khoăn về mô hình hoạt động của các thương hiệu này. Liệu ví điện tử có khả năng "rẻ" mãi?
Hoa hồng – "Xương sống" của ví điện tử
Có thể khác nhau về bộ máy quản lý hay định hướng kinh doanh, nhưng ví điện tử nào cũng sẽ có những tính năng chính như: Nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, mua thêm dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử …
Trong đó, nạp tiền điện thoại là tính năng chính và cơ bản nhất của mô hình ví điện tử, thường các ví sẽ bắt đầu từ đây (với nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn), rồi dần mở ra những tính năng mới khi lượng khách đủ lớn.
Với tính năng nạp tiền điện thoại, các nhà mạng luôn có % chiết khấu rất hấp dẫn cho đại lý, đặc biệt là những cổng thanh toán có lượng giao dịch cao. Các ví điện tử sẽ sẵn sàng "chia sẻ" từ 4% đến 5% tiền hoa hồng trực tiếp cho khách hàng, nhưng vẫn giữ lại cho mình một khoản chênh lệch đáng kể.
Tương tự như trên, các hóa đơn tiền điện, tiền nước, phí dịch vụ … luôn có một khoản chiết khấu cho ví điện tử. Tuy doanh thu này không lớn trên mỗi giao dịch, nhưng nó sẽ trở nên đáng kể hơn nhiều với hàng triệu giao dịch mỗi ngày.
Nhưng đó chưa phải là khoản "hoa hồng" hấp dẫn nhất, ví điện tử còn hướng tới các "đại gia" Thương mại điện tử (TMĐT). Ngay từ khi thành lập, các sàn TMĐT luôn có chương trình Tiếp thị liên kết với mức chiết khấu cao (lên đến 7% trên mỗi sản phẩm thanh toán thành công).
Với xu hướng mua sắm online ngày một phổ biến, giá trị những món hàng được mua trên các trang TMĐT đã tăng đến hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu một đơn, trở thành nguồn thu hấp dẫn cho ví điện tử.
Ví điện tử hay Ngân hàng điện tử
Vijay Shekhar Sharma, CEO của PayTM – ví điện tử lớn nhất Ấn Độ đã chia sẻ: "Số tiền "hoa hồng" đã giúp chúng tôi thu hút được một lượng lớn khách hàng, tuy nhiên, chỉ dựa vào mỗi phương thức này thì không ví điện tử nào tồn tại được lâu dài."
Quả đúng như vậy, nhiều chuyên gia tài chính nhận định PayTM "sống sót" qua được thời kỳ khó khăn vì đã nhanh chóng thoát khỏi vị thế một "ví thanh toán" đơn thuần, trở thành một "ngân hàng điện tử" với khả năng tận dụng nguồn tiền sẵn có.
Bất kỳ ngân hàng nào trên thế giới cũng hoạt động dựa trên 2 nguyên tắc:
- Tất cả khách hàng sẽ không rút tiền cùng một lúc, và
- Mỗi khách hàng sẽ không bao giờ rút sạch tiền trong tài khoản.
Với giả định trên, ngân hàng luôn có một khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư kiếm thêm lợi nhuận, đa phần thông qua dịch vụ tín dụng với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Và đó chính là mục tiêu lớn của ví điện tử, tất cả mô hình hiện tại đều hướng tới việc trở thành một "ngân hàng online". Có thể thấy cụ thể tại PayTM, khách hàng sau khi mua sắm luôn có một khoản "cashback" kha khá trong tài khoản, nhưng khoản tiền này chỉ được sử dụng cho các dịch vụ khác trong ứng dụng, và đa phần khách hàng sẽ quyết định "để dành" cho đợt giao dịch tiếp theo.
Từ đó, hàng triệu khách hàng đang nạp tiền, mua sắm, trả hóa đơn … mỗi ngày trên PayTM sẽ tạo ra được một khoản tiền "nhàn rỗi" khổng lồ, PayTM chỉ cần giữ lại một phần cho những giao dịch tiếp theo, phần còn lại hoàn toàn có thể đầu tư lấy lợi nhuận ở nhiều lĩnh vực khác.
Không những thế, ví điện tử PayTM còn hợp tác với một ngân hàng để hỗ trợ tính năng "bảo chứng" – tạm thời giữ lại số tiền giao dịch đến khi các bên xác nhận thành công. Với hàng triệu giao dịch mỗi ngày, số tiền bảo chứng từ đó cũng rất lớn và "đều đặn", PayTM sẽ tận dụng thế mạnh này để yêu cầu ngân hàng trả một khoản lãi nhất định trên số tiền đang được "giam" kia.
Từ đó, càng nhiều khách hàng sử dụng thì "ví điện tử" cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Những cách kiếm tiền còn lại
Sau khi đã thu hút một lượng khách hàng lớn, các ví điện tử sẽ bắt đầu "năng động" hơn trong mô hình kiếm tiền của mình, cụ thể là:
- Yêu cầu đối tác cung cấp dịch vụ trả phí để "giữ chỗ" trên ứng dụng.
- Thu khoảng 1%/mỗi giao dịch tại đơn vị bán hàng.
- "Bán" không gian trong ứng dụng cho các bên quảng cáo thứ 3, phí có thể cố định trong một khoảng thời gian hoặc dựa trên số lượt xem/ lượt nhấp vào quảng cáo.
- Tổ chức các chương trình bán hàng "độc quyền", thường là các sản phẩm có chi phí hoạt động cao như vé xem phim, trà sữa …
Ngoài ra, một khi đã trở thành "thói quen" không thể thiếu của người dùng, các ví điện tử sẽ bắt đầu thu phí nạp tiền, chuyển tiền, thanh toán dịch vụ…
Kết luận
Tuy không kiếm được nhiều tiền trên mỗi giao dịch, nhưng với hàng triệu người dùng thực hiện thanh toán mỗi ngày, ví điện tử vẫn đảm bảo được một khoản thu nhập đáng kể.
Giống như mô hình TMĐT, các ví điện tử hiện nay vẫn đang chấp nhận lỗ để trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của người dùng.
Hiện nay, cả chính quyền và các bên tư nhân cùng đồng lòng ủng hộ ví điện tử, hướng tới một tương lai không dùng tiền mặt để tăng cường khả năng quản lý, biến những năm sắp tới trở thành khoảng thời gian cực kỳ "có lợi" cho những khách hàng sử dụng ví điện tử.