Thông tin trên được Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, chia sẻ sáng 23/3.
Theo bác sĩ Thức, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định nguy cơ các nạn nhân ngộ độc Botulinum ngay khi hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp tại Quảng Nam. Do đó, lãnh đạo bệnh viện lập tức đồng ý với đề xuất mang 5 lọ thuốc giải BAT ra ứng cứu vào ngày 18/3.
Đây là loại thuốc giải độc còn lại sau đợt ngộ độc pate chay hồi năm 2021. Thuốc tên BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent), chai 50ml, có giá trên 8.000 USD. Ba bệnh nhân được truyền thuốc đang cải thiện tốt, trong đó hai ca đã được cai máy thở.
“Cứu được 3 mạng người, chúng tôi thực sự rất mừng. Nạn nhân đều là đồng bào dân tộc, cuộc sống vất vả. Bệnh viện Chợ Rẫy miễn phí hoàn toàn tiền thuốc giải độc”, bác sĩ Thức chia sẻ. Hai lọ BAT chưa sử dụng là những liều giải độc Botulinum cuối cùng của cả nước.
Bác sĩ Thức cũng nhắc lại về đề xuất của Bệnh viện Chợ Rẫy về việc cần phải có quy định dự trữ thuốc hiếm mang tính quốc gia. Trong đó, cần lưu trữ sẵn sàng các loại thuốc hiếm (như BAT), thuốc giải độc rắn… để sẵn sàng cứu bệnh nhân. Vị lãnh đạo này nhận định vụ ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam là một tình huống cấp bách trong y tế.
Thực tế, thuốc hiếm là do ít bệnh nhân phải sử dụng, đắt tiền, nếu lưu trữ lâu mà không dùng sẽ hết hạn phải tiêu hủy. Tình huống này dễ bị quy về việc lãng phí. Do đó, cần có quy chế rõ ràng về việc lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 10 ca ngộ độc Botulinum rải rác trên địa bàn. Một phụ nữ đã tử vong do diễn biến nặng. Các nạn nhân nhập viện sau khi ăn món cá chép muối ủ chua. Kết quả xét nghiệm cho thấy món ăn này có chứa độc tố Botulinum type E.