Từng được ví như “kẻ đốt tiền” các sàn thương mại điện tử rầm rộ khuếch trương khi ra mắt, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã âm thầm rút lui hoặc bán lại cho đối tác. 

Tập đoàn Viễn thông Telenor (Na Uy) vừa đạt thỏa thuận trong việc mua lại cổ phần của trang rao vặt trực tuyến Chợ Tốt (Việt Nam). Ra mắt năm 2012, Chợ Tốt là trang rao vặt trực tuyến hàng đầu Việt Nam với hơn 10 triệu người dùng/tháng, 1,2 tỷ lượt xem trang/tháng và 2,5 triệu lượt giao dịch thành công trong năm 2016, theo khảo sát người bán.

Sau Chợ Tốt, người dùng cũng thấy bất ngờ khi truy cập vào địa chỉ bán hàng của Zalora, được chuyển về địa chỉ Robins. Zalora nay chính là Robins, một thông điệp được công bố ngay trên website và điện thoại tới người mua hàng. Sau một thời gian rầm rộ truyền thông tại Việt Nam, Zalora đã được Central Group mua lại cách đây một năm thông qua Nguyễn Kim.

Sau một năm rưỡi ra mắt thị trường, trang thương mại điện tử từng được rót vốn 1 triệu đôla Top Mốt đã chính thức đóng cửa. Top Mốt được thành lập vào tháng 12/2015 bởi ông Erik Jonsson - cựu giám đốc điều hành của Zalora Việt Nam. Đây là trang thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam bán hàng theo mô hình flash sale (giảm giá trong thời gian nhất định).

{keywords}
Nhiều sàn TMĐT gặp khó

Ở một diễn biến khác, Bizweb và sàn Lazada kết với nhau. Sự hợp tác giữa các đơn vị cung cấp nền tảng website và sàn giao dịch không phải là mới nhưng có thể nói, đây là lần đầu tiên, kênh website và sàn giao dịch có thể kết nối một cách chặt chẽ, tối ưu hơn, đáp ứng đúng chuẩn mô hình bán hàng đa kênh của các shop, các doanh nghiệp. 

Lazada hiện có hơn 8.000 nhà bán hàng, còn Bizweb đang phục vụ hơn 27.000 khách hàng là các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, Alibaba chi 1 tỷ USD mua cổ phần chi phối của Lazada.

Nhằm cạnh tranh "miếng bánh" tiềm năng của thị trường bán lẻ online với các đối thủ, Thế giới di động đã ra mắt Vuivui cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Vuivui mới chỉ hoạt động tại TP.HCM. Zalo của VNG cũng bắt đầu gia nhập thị trường này. Nhưng cái tên nổi bật nhất lại thuộc về tân binh Shopee, một công ty Singapore được đầu tư bởi Garena.

Năm 2016 là một năm nhiều biến động của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Sự thay đổi liên tục của các gương mặt tham gia cuộc đua không chỉ phản án tiềm năng của thị trường mà còn thể hiện mức độ khốc liệt trong cạnh tranh. 

Tuy nhiều tên tuổi phải rời bỏ cuộc chơi trong tiếc nuối. Rào cản thị trường vẫn còn khá thấp, cho phép nhiều mô hình khác biệt có cơ hội tham gia cuộc đua giành miếng bánh thị phần trong thị trường đang ngày một lớn tại Việt Nam.

Thay đổi hay là chết? 

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc CTCP Công nghệ DKT, nhận định, thương mại điện tử cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào cũng mang đến cho các doanh nghiệp trong nước nhiều cơ hội nhất định. 

Đầu tiên, có thể nói đến việc họ hoàn toàn có thể chủ động “thay đổi hay là chết”, cung cấp dịch vụ tốt hơn hoặc thất bại. Đó là cơ hội họ có thể nhìn nhận rõ về sứ mệnh của mình, điều mình cần phải làm và thường thì “cái khó sẽ ló cái khôn”.

Theo ông Tuyến, sự cạnh tranh mạnh mẽ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội được cọ xát, cạnh tranh công bằng và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ người đi trước, đối thủ cạnh tranh hoặc thậm chí từ những người đã từng thất bại. 

{keywords}
Nhiều thách thức với bán hàng online

Ngoài ra, giữa môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, những startup trong lĩnh vực này sẽ có 2 lựa chọn khi tham gia đó là hoặc đương đầu cạnh tranh, hoặc hợp tác với những nền tảng đã có sẵn tập khách hàng. Họ không nhất thiết phải tạo ra những sản phẩm, mô hình kinh doanh tương tự mà có thể phát triển mạnh mẽ trong “sân chơi” ấy bằng việc hợp tác cung cấp dịch vụ, tiện ích cho chính tập khách hàng của bên đối tác đang có nhu cầu.

Đánh giá về thị trường, ông Tuyến cho rằng, xu hướng mua bán hay hợp tác của các sàn nhìn chung sẽ mang lại một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn và ở đó người dùng sẽ có lợi nhiều nhất. Quy luật tất yếu khó tránh khỏi: Ai yếu thế, không đáp ứng được thị trường ngay lập tức sẽ bị đào thải. Và cá lớn nuốt cá bé cũng là câu chuyện hết sức bình thường.

Còn về mặt mở rộng hợp tác với các bên cung cấp dịch vụ khác, các sàn giao dịch TMĐT sẽ có thêm nhiều kênh để tiếp cận khách hàng tiềm năng, đồng thời đây cũng là cách để họ gia tăng điểm cộng trải nghiệm dịch vụ khi đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. 

Ngoài ra, các bên sẽ tập trung được nguồn lực phát triển mạnh cho sở trường, mũi nhọn của mình mà ko phải đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Và tất nhiên, người được hưởng lợi nhiều nhất vẫn chính là khách hàng, người dùng.

Ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, nhận định, một thách thức khác tại Việt Nam đó là thương mại điện tử vẫn ở giai đoạn đầu. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đang trong quá trình trải nghiệm đầy đủ về lợi ích của mô hình này. 

Tuy nhiên, hệ sinh thái của thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và khá toàn diện theo chiều hướng tích cực. Các ngân hàng liên tục thúc đẩy các công cụ thanh toán trực tuyến thay thế dần dần COD. Các doanh nghiệp vận chuyển, cả trong và ngoài nước liên tục mở rộng thị phần và cải tiến dịch vụ. 

Sự cạnh tranh tích cực này cuối cùng sẽ dẫn đến tăng cường chất lượng dịch vụ mà người tiêu dùng được hưởng, với mức giá ngày càng hợp lý hơn. Xu hướng này là hết sức đáng mừng cho hệ sinh thái thương mại điện tử tại Việt Nam.

Duy Anh