Nhu cầu rất lớn

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, việc khôi phục các đường bay quốc tế không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, giải quyết nhu cầu di chuyển bị đè nén của thị trường. Điều này còn đóng vai trò khơi thông các mạch giao thương của cả nền kinh tế, tạo lực đẩy cho các ngành nghề hồi phục phát triển, đặc biệt là du lịch - ngành đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch trong gần 2 năm qua.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, nếu chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì sẽ mất cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm và chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác, đồng thời mất năng lực cạnh tranh của ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp đối với bối cảnh hiện nay.

"Mở lại đường bay thương mại quốc tế đặc biệt có ý nghĩa khi thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là của Việt kiều, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài trở về đất nước rất cao. Với ngành du lịch đang triển khai thí điểm đón khách quốc tế, nếu tổ chức được các chuyến bay thương mại thường lệ sẽ giúp cho hoạt động thí điểm này đạt được kết quả tốt hơn, tiến đến triển khai mở lại hoàn toàn việc đón khách du lịch quốc tế như trước dịch", ông Nguyễn Trùng Khánh nhận xét.

{keywords}
“Mở cửa bầu trời” đón cơ hội phục hồi hàng không

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, cơ quan quản lý vẫn tích cực chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế một cách sớm nhất, ngay khi Bộ Y tế có những quy định cụ thể về cách ly cũng như đàm phán xong với các quốc gia mà chúng ta kết nối, trừ những đường bay tới châu Phi như trên. Theo các chuyên gia, điều quan trọng việc mở đường bay quốc tế ngoài đảm bảo các điều kiện như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vắc xin cho người dân, trên hết cần có sự đồng thuận của các quốc gia mà ta kết nối. Do đó, việc cần làm là đàm phán với các nước để xác nhận hộ chiếu vắc xin - công cụ để chúng ta mở các chuyến bay.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, nhu cầu của công dân Việt Nam về nước tính đến tháng 9/2021 là khoảng 200.000 người, cùng với đó là nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân. Tuy nhiên, số chuyến bay trọn gói hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. “Trong 2 quý đầu năm 2022 có khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam," ông Võ Huy Cường dự tính.

Kiến nghị nhiều giải pháp

GS TS TrầnThọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng phát biểu: “Chúng ta không thể chắc chắn bao giờ thì dịch kết thúc. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã và đang được củng cố”.

Ông dẫn chứng, tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua đợt dịch thứ 4. Đợt dịch này có tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ tiêm vắc xin hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, về nền tảng y tế phòng, chống dịch, chúng ta đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương với các nền kinh tế phát triển.

Với kinh nghiệm của đợt dịch bùng phát thứ 4 vừa rồi, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, hệ thống y tế của ta đã tích luỹ được thêm nhiều kinh nghiệm. Về y tế và năng lực y tế, nhiều nước ở trạng thái như Việt Nam đã và đang mở đường bay quốc tế. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, sẽ lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục.

PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: “Nếu khách đã tiêm vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính là tương đối an toàn với người xung quanh. Mở cửa hàng không quốc tế là cần thiết, quan trọng là ngành y tế phải có sự chuẩn bị. Cần có sự thống nhất giữa Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế… để có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh''.

Về phía đơn vị hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quàn trị Vietravel chia sẻ Vietravel vừa là hãng du lịch, vừa là hãng hàng không. Vietravel đã chuẩn bị khá kỹ cho việc trở lại, bao gồm cả du lịch và hàng không.

"Chúng tôi đánh giá lượng khách quốc tế về Việt Nam sắp tới sẽ chủ yếu là Việt kiều. Đây là nhu cầu chính đáng của bà con muốn về thăm quê hương sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch. Vietravel đã mở cửa trở lại 4 văn phòng tại Mỹ, Pháp, Úc, Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký. Ngay từ tháng 11, chúng tôi đã tham gia vận chuyển khách du lịch, bao gồm cả kiều bào. Nếu Chính phủ cho mở bay thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022, lượng khách sẽ về rất đông", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways cho biết: Hãng đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu, chuyến bay thương mại cả trong giai đoạn mật độ tiêm chủng phủ chưa cao cho đến nay. Nhưng 100% tổ lái và tiếp viên của Hãng không ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 nào khi đang làm nhiệm vụ.

"Công tác tiêm chủng vắc xin của Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, toàn dân. Vấn đề còn lại là làm sao để đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình tham gia chuyến bay. Có thể xây dựng bộ tiêu chí thống nhất, cụ thể, những hành khách nào có thể được đi máy bay, theo từng giai đoạn", ông Nguyễn Mạnh Quân nói.

Để có thể mở đường bay quốc tế thường lệ trở lại, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý có hướng dẫn, phê duyệt khẩn trương để các hãng có thể triển khai sản phẩm trên hệ thống của mình, giúp đồng bào kịp thời về nhà ăn Tết với gia đình.

"Hãng đã chuẩn bị rất lâu tất cả kế hoạch cho rất nhiều kịch bản khác nhau để có thể triển khai ngay lập tức sau khi dịch bệnh được kiểm soát, được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Chương trình mở rộng mạng bay quốc tế thường lệ của Chính phủ là tín hiệu mừng và Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong giai đoạn khôi phục này", bà Nguyễn Thúy Bình nhìn nhận.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Theo đó, ngay trong tháng 11/2021, sẽ bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế qua các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng.

Về đối tượng nhập cảnh, nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đúng đối tượng đã được cho phép, có Giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.

Như Quỳnh