Công nghiệp hỗ trợ Vĩnh Phúc chờ “cất cánh”

Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 189 DN trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), với tổng vốn đăng ký 2,365 tỷ USD, chiếm 35% tổng số vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 30 DN trong nước và 159 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số lao động CNHT trong ngành điện tử, tin học và sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy là chủ yếu, chiếm 53,2%.

{keywords}
Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 18 KCN với quy mô 5.228 ha, trong đó 11 KCN được thành lập với 12 dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tổng diện tích quy hoạch đạt 2.159,1 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 8.305 tỷ đồng và 95,1 triệu USD.

Ông Lê Duy Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, CNHT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được hình thành và từng bước phát triển, trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành công nghiệp lớn, đó là: Công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp ôtô-xe máy; công nghiệp dệt-may, giày-dép; công nghiệp vật liệu xây dựng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (giai đoạn 2011-2016) ước đạt 28,79%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp với 12,67%/năm. Điều này cho thấy, CNHT Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển đáng kể và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo ông Lê Duy Thành, sự phát triển nhanh của các lĩnh vực CNHT đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển (ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp ôtô-xe máy) và đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của các ngành công nghiệp chủ lực (ngành điện tử; ngành lắp ráp ôtô-xe máy) của Vĩnh Phúc. Đặc biệt, CNHT phát triển đã cung cấp ra một khối lượng lớn các sản phẩm phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, từ đó hình thành mối liên kết sản xuất giữa DN trong nước và DN FDI, tạo điều kiện để DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Dù cơ hội cho ngành CNHT tại Vĩnh Phúc rất lớn (nhất là khi Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định FTA) nhưng DN CNHT trong nước tại Vĩnh Phúc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ chế tạo thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng không cao và còn sử dụng nhiều lao động.

{keywords}
 

Cơ hội lớn của Công nghiệp hỗ trợ Vĩnh Phúc trước thềm 2020

Nhận thức được vai trò quan trọng của CNHT đối với sự phát triển ngành công nghiệp, những năm qua Vĩnh Phúc luôn coi CNHT là động lực trực tiếp tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách phát triển, tạo cơ hội cho mọi DN hoạt động trong lĩnh vực này.  Điển hình trong số đó là Nghị quyết 57/2017/NQ-HĐND về phát triển CNHT ở Vĩnh Phúc đến năm 2020 khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của CNHT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Đặc biệt, năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận DN sản xuất sản phẩm công nghệ hỗ trợ công nghệ cao; chi phí đánh giá công nhận đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo khu vực cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án từ 20% quy mô trở lên; hỗ trợ 50% chi phí, lãi suất vay vốn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chính sách mới trong năm 2019 được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của Vĩnh Phúc bứt phá và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Phấn đấu đến năm 2025, CNHT trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm công nghệ hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, tự tin tham gia thị trường xuất khẩu.

Q.Hiếu