Hợp tác xã Đông Nghi (ấp 6 xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) do bà Lê Khắc Đông Nghi làm Giám đốc được thành lập tháng 10/2020. 

Hiện Hợp tác xã đã phát triển được 10 thành viên. Các thành viên đều được Hợp tác xã cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ nguồn thức ăn, ưu tiên thu mua sữa tươi với giá ổn định. 

Từ 10 con dê giống lúc đầu, tới nay, Hợp tác xã đã có đàn dê sữa gần 500 con, cung ứng thường xuyên nguồn nguyên liệu sữa dê an toàn với sản lượng 150 lít sữa/ngày. 

Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn xuất bán con giống từ 20kg trở lên với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg.

Ngoài chăn nuôi, Hợp tác xã còn chế biến ra các sản phẩm từ sữa như: Sữa dê tươi nguyên chất có đường và không đường, sữa dê bột và sữa dê sấy thăng hoa, yaourt sữa dê tươi và yaourt sữa dê sấy, bánh flan sữa dê tươi và bánh flan sấy. 

Dê sữa nông trại được nuôi dưỡng theo đúng chế độ bằng nguồn thức ăn phong phú tự nhiên gồm: Cỏ xanh, cỏ ủ lên men, lá cây, rơm khô, trái cây như chuối xiêm, chuối già, chuối cao, mít thái, bưởi da xanh… Vì thế, hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm nói trên đều đã được Hợp tác xã công bố chất lượng theo quy định và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Tiền Giang. 

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm mới lạ có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe, Hợp tác xã Đông Nghi đã tìm hiểu và áp dụng mô hình sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sạch theo hướng Organic (thực phẩm hữu cơ) và áp dụng công nghệ sấy tiên tiến để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm.

“Có thể nói, Hợp tác xã Đông Nghi là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công công nghệ sấy thăng hoa trên địa bàn tỉnh với các sản phẩm từ sữa dê. Sản phẩm từ sữa của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi được thị trường trong nước ưa chuộng bởi thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 3 không: Không chất bảo quản, không đường hóa học, không hương liệu”, Giám đốc Hợp tác xã Đông Nghi khẳng định.

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi đã ký hợp đồng cung ứng thường xuyên các sản phẩm sữa chua, bánh flan cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. 

Ngoài ra, Hợp tác xã còn đang mở rộng sản xuất nhằm đưa được sản phẩm đến thị trường Dubai và một số nước khác.

anh bai 40.jpg
Mô hình chăn nuôi dê gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá cho Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi. 

Không ngừng sáng tạo để tăng hiệu quả kinh doanh, cách đây ít lâu, Hợp tác xã Đông Nghi đã phát triển thêm mô hình du lịch nông nghiệp.

Trên tổng diện tích hơn 25.000m2, Hợp tác xã chia thành 3 khu vực: Khu vực trồng cỏ rộng 20.000m2; Khu trang trại nuôi gần 500 con dê sữa Saanen; Nhà tiếp khách với sức chứa 500 khách, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm, du lịch và mua sắm tại nông trại, xây dựng khu vực giải trí với quy mô rộng lớn có sức chứa khoảng 100 người, hình thành chuỗi khép kín, thu hút du khách”, lãnh đạo Hợp tác xã cung cấp thông tin.

Đến nay, mô hình chăn nuôi dê gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi làm ăn hiệu quả, tạo nguồn thu nhập tốt cho các thành viên. Sản phẩm ngày càng đa dạng, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường. Các sản phẩm chế biến từ sữa dê và mô hình du lịch nông trại ngày càng được nhiều người biết đến.

Chia sẻ định hướng phát triển sắp tới, nữ Giám đốc Lê Khắc Đông Nghi cho hay: “Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi sẽ không ngừng đổi mới kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đưa sản phẩm tới tay nhiều khách hàng quốc tế”.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV