Nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp có đề án phát triển bền vững
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/1/2022 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg.
Trong đó xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững: “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao; góp phần phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính”.
“Rất nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp như lâm nghiệp hay thủy sản cũng đều đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai hơn 10 chương trình, đề án phát triển nông nghiệp bền vững ở quy mô vùng hoặc quy mô quốc gia, trong đó đề cao vai trò của hợp tác xã và các mô hình liên kết sản xuất”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại Diễn đàn Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vừa diễn ra ở Hà Nội.
Điển hình như Đề án vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn ở 13 tỉnh/thành phố (nguyên liệu gồm lúa gạo, trái cây, gỗ rừng trồng, cà phê, thủy sản), nhằm khai thác, phát huy hiệu quả của những vùng có sản phẩm ưu thế, chẳng hạn như miền núi phía Bắc có cây ăn quả, miền Trung là gỗ, Tây Nguyên là cà phê, Đông Nam Bộ hay đồng bằng sông Cửu Long là thủy sản, trái cây… Các vùng nguyên liệu được tổ chức ở các cấp độ liên vùng, trong đó, vai trò của hợp tác xã và các doanh nghiệp liên kết tạo thành chuỗi giá trị, còn nhà nước có vai trò hỗ trợ hạ tầng cho kinh doanh sản xuất theo định hướng của vùng đó, đồng thời tổ chức đào tạo nông dân, khuyến nông, chuyển đổi số trong vùng nguyên liệu này.
“Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hợp tác xã có vai trò cực kỳ quan trọng, là một trong ba trụ cột (cùng với hạ tầng cho nông nghiệp và khoa học công nghệ) của tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững. Thậm chí có thể nói hợp tác xã đóng vai trò số 1. Nếu như không có hợp tác xã thì không thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng minh bạch, bền vững, hiệu quả được”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Hợp tác xã làm gì để phát triển nông nghiệp bền vững?
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở khía cạnh hiệu quả kinh tế và môi trường, các hợp tác xã cần phải làm những việc sau.
Một là, hợp tác xã phải thay đổi quy mô sản xuất, tăng cường hợp tác; phải tập hợp nông dân thành một chủ thể lớn hơn để tham gia thị trường hiệu quả hơn, thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, làm chung quy trình kỹ thuật.
Hai là, phải tăng cường việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, tạo năng suất, chất lượng và đặc biệt là hạ giá thành cho sản xuất. Chẳng hạn, với lúa gạo, các hợp tác xã cần ưu tiên triển khai các mô hình “1 phải - 5 giảm” (Phải sử dụng giống lúa xác nhận; Giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch, tưới xen kẽ), hay mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI)...
Ba là, phải ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động, kể cả chế biến để giảm phát thải. Chẳng hạn, ở đồng bằng sông Cửu Long có chương trình quản trị rơm rạ. Thay vì đốt rơm rạ tạo phát thải khí carbon như trước kia, thì hiện nay các hợp tác xã sẽ chế biến rơm rạ thành những thành phẩm để bán, tạo thêm thu nhập.
Bốn là, cung ứng vật tư đầu vào các dịch vụ cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững cho thành viên, nông dân. Ví dụ, việc dùng phân hữu cơ, phân vi sinh sẽ giảm được chi phí về phân vô cơ, góp phần bảo vệ môi trường.
Năm là, hợp tác xã phải thực hiện quản trị nội bộ về mặt chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nếu như không có hợp tác xã thì cung cấp các mã số vùng trồng theo chuỗi giá trị để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Sáu là, phát triển các hợp tác xã thành mạng lưới cung cấp nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo chất lượng. Hợp tác xã phải thành mắt xích quan trọng trong liên kết sản xuất nông nghiệp. Không có hợp tác xã, doanh nghiệp không thể làm việc với hàng nghìn hàng vạn hộ nông dân được.
Có thể nói, “các tổ hợp tác, hợp tác xã có vai trò quan trọng, giúp nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp và nông dân, tránh phát triển tự phát (thiếu định hướng thị trường), tự cạnh tranh lẫn nhau, và qua đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh khẳng định.