Tháng 7/2024, gia đình anh Nguyễn Văn Đấu (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) vốn là hộ nghèo, dường như đã chấm dứt chuỗi ngày quẩn quanh mưu sinh vẫn không đủ sống. 100 con gà giống, mô hình sinh kế trong dự án hỗ trợ sinh kế giảm nghèo bền vững của huyện Kỳ Anh, trao cho anh năm trước đã phát triển tốt, mang lại thu nhập thường xuyên, ổn định.
Gia đình anh Đấu thuộc diện hộ nghèo, vợ anh bị bệnh nan y nên tài sản đều ra đi theo những ngày chạy chữa cho chị. Hỗ trợ sinh kế kịp thời của chính quyền huyện Kỳ Anh không chỉ cải thiện thu nhập cho gia đình anh mà còn tạo "đòn bẩy" để anh Đấu mạnh dạn vay vốn, tiếp tục đầu tư khôi phục và phát triển những tư liệu sản xuất trước đây bị bỏ bê do anh phải dành thời gian đồng hành với vợ chữa bệnh. Tổng cộng anh đầu tư 7 sào chè nguyên liệu, 3 sào ruộng, trồng một số diện tích keo tràm và cải tạo lại 5 sào vườn.
Trợ lực của nhà nước, sự đồng hành của địa phương, cán bộ, cùng với nỗ lực vươn lên của gia đình anh Đấu đã được đền đáp, thu nhập bình quân bước đầu gần 10 triệu đồng/tháng. Anh Đấu đã vực dậy được cuộc sống gia đình, xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Không chỉ với gia đình anh Đấu, các hộ nghèo ở thôn Tân Tiến cũng được thường xuyên được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, các nhà hảo tâm giúp đỡ. Hiện toàn thôn có 5 hộ được thụ hưởng vốn hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững của huyện và các nguồn hỗ trợ khác. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 5% năm 2021 xuống còn dưới 2% tính đến cuối năm 2023.
Mô hình sinh kế không chỉ được quan tâm trao cho hộ nghèo ở Kỳ Thượng, thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024, chính quyền huyện Kỳ Anh cũng tạo sinh kế cho các hộ nghèo khác trong huyện.
Ngày 27/8, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 7 xã ở huyện Kỳ Anh đã được Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện phối hợp Uỷ ban MTTQ huyện hỗ trợ gà giống sinh sản. Các hộ đồng thời tập huấn, hướng dẫn chăn nuôi qua từng giai đoạn phát triển, chăn nuôi theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm.
Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ 1 mô hình ở xã Kỳ Phong, 2 mô hình ở xã Kỳ Bắc, 2 mô hình ở xã Kỳ Phú, 2 mô hình ở xã Kỳ Thọ, 2 mô hình ở xã Kỳ Văn, 1 mô hình ở xã Kỳ Tân và 2 mô hình ở xã Lâm Hợp; mỗi mô hình 100 con gà giống sinh sản, với tổng kinh phí 53 triệu đồng.
Trao mô hình sinh kế cũng là cách để nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình triển khai các mô hình chăn nuôi; góp phần giúp người dân tiếp cận thêm với kĩ thuật mới, đồng thời giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở... Đây là giá trị của mục tiêu kép trong chương trình.
Các hộ nghèo ở huyện Kỳ Anh không chỉ được hỗ trợ mô hình sinh kế giảm nghèo mà còn được tiếp sức bằng những căn nhà tình nghĩa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ngày 6/9, ngôi nhà giành cho gia đình ông Nguyễn Văn Dỵ (49 tuổi, trú tại thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây) đã được khởi công xây dựng dưới sự hỗ trợ và phối hợp giữa Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh, Uỷ ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và Uỷ ban MTTQ xã Kỳ Tây.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dỵ là hộ nghèo sống neo đơn, không có công việc ổn định. Ngôi nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng, mất an toàn khi mưa lũ về. Bởi vậy, ngôi nhà 48m2 được khởi công xây dựng khiến ông Dỵ an tâm hơn. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào đầu tháng 11.
Trong giai đoạn 2021-2024, tổng số vốn chương trình giảm nghèo được thực hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh đạt 16,7 tỷ đồng đồng, trong đó, ngân sách Trung ương đạt 15,4 tỷ đồng; số còn lại là ngân sách địa phương. Trong giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện duy trì mức giảm từ 0,6% đến 1,03%/năm. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,44%.