Nỗ lực duy trì các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm

Theo thống kê, tới nay, chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã có khoảng 500 sản phẩm, trong đó 230 sản phẩm đạt sao, số ít được phân hạng sản phẩm cấp Quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm trên được sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng, quy cách mẫu mã còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Các kênh tiêu thụ và việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19, còn hạn chế.

{keywords}
Linh hoạt để dần thích ứng, vượt qua dịch bệnh

“Chính vì thế cần sự thích ứng, linh hoạt và đổi mới trong cách thức tổ chức tiêu thụ, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt trong tình hình mới khi các hoạt động kinh tế xã hội dần thích ứng, chung sống với dịch bệnh”, ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương, Sở Công thương Quảng Ninh cho hay.

Theo đó, các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ truyền thống, thường niên, dù ở quy mô lớn hay nhỏ, vẫn được xác định đóng vai trò quan trọng. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song từ đầu năm đến nay, các địa phương đã tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Điểm khác biệt, thay đổi chính là ở khâu tổ chức cẩn thận, công phu hơn, như: Yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với người bán hàng, quét mã, kiểm soát chặt người ra vào, không cho người dưới 12 tuổi vào hội chợ... Qua thực tế, tổ chức Hội chợ OCOP 2021 (từ 26/11- 2/12) tại TP Hạ Long vừa qua cho thấy hiệu quả từ sự thay đổi, thích nghi này.

Các hội chợ do Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, sàn thương mại điện tử uy tín tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu của tỉnh qua “Gian hàng Việt trực tuyến”. Sau hội nghị, 35 sản phẩm OCOP của tỉnh được bán hàng trên sàn thương mại điện tử Sendo, tiki, voso...

Ngoài ra, hiện 223 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được niêm yết, giao dịch trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của Quảng Ninh. Cùng với đó, BCĐ OCOP tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn phát triển sản phẩm mới.

Nhờ đó, mặc dù cũng chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh song từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh vẫn có tới 44 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, nâng thành 500 sản phẩm của chương trình hiện có. Thêm vào đó, 90% sản phẩm tham gia chương trình được dán tem điện tử, có mã số, mã vạch...

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Ngoài các kênh truyền thống, Trung tâm xúc tiến và Phát triển Công thương, đơn vị chủ trì các hoạt động xúc tiến cũng xác định đề cao các thị trường trọng điểm, như: Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội - nơi thường có các sự kiện quy mô lớn, từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương. Dự kiến, thời gian tới, Quảng Ninh cũng tiếp nhận và tổ chức một số sự kiện xúc tiến lớn từ chính nguồn này.

Trong bối cảnh chuỗi tiêu thụ đứt gẫy, việc quan tâm phát triển đưa hàng OCOP vào Vinmart, Big C, các chuỗi cửa hàng nông đặc sản, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện ích… vẫn được triển khai tốt thời gian qua. Đơn cử, gần đây đã có một số thương hiệu như: Nước mắm Đại Cát (Uông Bí), chả mực và hải sản Cô Tô (Cô Tô), trà hoa vàng (Ba Chẽ)… liên tục được đưa vào siêu thị và các chuỗi tiêu thụ trên.

Một trong những hướng được quan tâm chính là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử tỉnh. Ngoài chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, thời gian tới, các chính sách hỗ trợ, miễn phí sẽ được đẩy mạnh hơn qua các hoạt động và việc nâng cấp sàn.

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương thì cho tới thời điểm này trên sàn thương mại điện tử của tỉnh đã có trên 320 sản phẩm của 76 doanh nghiệp, tăng đáng kể so với năm 2020. Sự quan tâm của người mua cũng tăng, với trung bình trên 1000 lượt truy cập/ngày. Doanh thu của các doanh nghiệp tham gia sàn đã tăng trên 15%, trong đó có trên 90% các đơn hàng đặt qua sàn, đã được chuyển về cho các doanh nghiệp thực hiện.

Như vậy có thể thấy, việc thay đổi, linh hoạt trong cách làm, thích nghi với tình hình mới, các hoạt động xúc tiến đang dần ổn định, hỗ trợ đắc lực các doanh nghiệp OCOP vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên