Đọc sách có nhiều cái lợi. Có lẽ ai cũng biết, cái lợi lớn nhất đó là gia tăng kiến thức, rút ngắn thời gian để con người “hòa mạng” với tri thức nhân loại.
Mỗi cuốn sách, để được khai sinh trên kệ đã trải qua quá trình chắt chiu chữ nghĩa của cả một tập thể, nhất là tác giả - người chấp bút để những kiến thức mình sưu tầm, nghiên cứu - có thể trải ra trong từng trang, giúp độc giả nắm bắt dễ dàng. Sau đó, đội ngũ biên tập, kiểm duyệt của nhà xuất bản tiếp tục thẩm định cả nội dung lẫn câu từ để thành phẩm có sự chỉn chu, chính xác nhất.
Trở lại với việc làm thế nào để con thích đọc sách, theo tôi có một số điều cần chuẩn bị và tiến hành:
Thứ nhất, lựa chọn một cuốn sách phù hợp với từng lứa tuổi. Nếu trẻ còn nhỏ, sách càng có nhiều hình ảnh, ít chữ và càng đơn giản càng tốt. Thời gian đầu, trẻ làm quen với sách thông qua hình ảnh sinh động, từ đó các bé sẽ thích lật giở, không “sợ” sách - đó là bước đầu thành công.
Đối với trẻ lớn, có thể chọn sách nhiều chữ hơn, nhưng cũng phải có nội dung tương ứng với lứa tuổi của con. Đặc biệt, chú trọng sách văn học, kỹ năng để trẻ có thể bồi bổ tâm hồn, học hỏi các kỹ năng để ứng dụng vào đời sống.
Khi lựa chọn sách, phụ huynh cần tinh tế nhận ra trẻ có sở thích gì để xen kẽ những cuốn có nội dung tương ứng với sở thích, mối quan tâm của con. Nếu con bạn thích khám phá công nghệ, vũ trụ có thể chọn sách khoa học; trẻ thích thiên nhiên, môi trường thì ưu tiên sách sinh học, các loài động vật...
Bên cạnh đó, có thể tìm một số sách về ngoại ngữ giúp con trau dồi thêm kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.
Thứ hai, người lớn cần nêu gương. Theo đó, phụ huynh cũng phải đọc sách, yêu thích sách. Không thể có chuyện bố mẹ không hề cầm đến quyển sách mà “bắt” con phải đọc, hoặc mơ ước con tự giác đọc sách.
Tôi nghĩ, thích đọc sách cũng là một loại gen đặc biệt được “cài đặt” bằng sự rèn luyện, trong đó có nỗ lực để luyện tập sự kiên nhẫn mỗi khi cầm cuốn sách.
Có câu ngạn ngữ rất hay: thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Sự kiên nhẫn không tự dưng mà có. Kiên nhẫn trong đọc một cuốn sách cũng vậy. Có thể hôm nay chúng ta chưa thể đọc một lúc mấy chục trang sách hãy tập bắt đầu bằng 1-2 trang, và ngày mai cũng thế, tăng dần đều. Đến một lúc, chính mình sẽ ngạc nhiên, ồ, tôi đã đọc hết một cuốn sách vài trăm trang rồi sao? Chiến thắng chính mình là chiến thắng lớn nhất, chính sự rèn luyện của cha mẹ sẽ tạo ra động lực cho con, kiến tạo năng lượng tích cực cho mình để mỗi lời khuyên đọc sách dành cho con hay ai đó đều mang giá trị, giúp họ chuyển hóa.
Thứ ba, cần có những tủ sách gia đình, thậm chí thư phòng. Ít nhất là có một góc đọc sách với những cuốn sách dễ đọc, dễ cảm. Cả nhà cùng đọc và thi thố, trẻ rất thích những cuộc thi mà qua mỗi chặng, con sẽ có phần thưởng ghi nhận.
Đọc sách cùng con và có thể cho trẻ tóm tắt một chương sách, hỏi về cảm nhận riêng, lắng nghe chăm chú và tặng những phần thưởng khích lệ. Nhờ cách ấy, trẻ sẽ hào hứng đọc sách, có thể ban đầu vì phần thưởng nhưng lâu ngày, tình yêu sách sẽ ngấm vào trong con một cách không ngờ.
Thứ tư, thường xuyên cho con tham gia các ngày hội sách, nếu ở thành phố có thể đưa trẻ đi nhà sách, tham quan đường sách… thay vì đi chơi, xem phim, chơi game.
Từ nhỏ, bố mẹ có thể đọc sách cho con nghe vào mỗi tối. Có độc giả tham gia tuyến bài này đã chia sẻ một cách thức giúp con yêu đọc sách rất hay đó là thai giáo. Nghĩa là cùng con đọc sách ngay khi bé mới tượng hình, còn ở trong bụng mẹ.
Biến việc đọc sách thành món ăn tinh thần hằng ngày, hằng tuần khiến cho cả gia đình trở nên gắn kết. Vô hình trung, việc cùng con đọc sách lại trở thành cách vun bồi yêu thương, hạnh phúc gia đình. Thật sự đọc sách có quá nhiều ý nghĩa tích cực, tại sao mỗi bậc phụ huynh không thử?