Mạnh từ tâm
Không khó để hình dung về chiến lược phát triển hạ tầng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông MobiFone theo hình ảnh chiếc compa như trên, nhưng khi tìm hiểu, phân tích mới thấy được lịch sử, quá trình hoạt động, phát triển và định hướng kinh doanh của mạng di động này.
MobiFone là mạng di động đầu tiên của Việt Nam. Quá trình phát triển của nhà mạng trong đó có phát triển hạ tầng mạng lưới cũng gắn chặt với đặc điểm hình thành của lĩnh vực viễn thông di động. Năm 1993 MobiFone được thành lập, khi đó mạng di động này là đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Thời điểm đó, giá cước viễn thông di động rất đắt đỏ, các thiết bị đầu cuối (điện thoại) cũng khá đắt và chưa rẻ như những năm qua.
Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ chủ yếu là tầng lớp có thu nhập ở các thành phố lớn, ở các trung tâm thành thị, do vậy việc phát triển hạ tầng mạng lưới cũng được tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm tỉnh thành để đáp ứng cho lớp khách hàng có khả năng sử dụng. Trong đó, đặc biệt, hạ tầng của mạng di động này được phát triển rất mạnh ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nhằm mang đến một chất lượng vượt trội cho người dùng.
Từ hai tâm điểm vững chắc này, “sóng MobiFone” bắt đầu được lan tỏa ra các tỉnh thành xung quanh và các trung tâm tỉnh lỵ ở khắp cả nước, theo thứ tự ưu tiên thành phố, ngoại ô, huyện lỵ và nông thôn. Chiến lược phát triển này được đánh giá rất thực tế bởi ở các thành phố lớn dân số đông, nhu cầu sử dụng lớn và yêu cầu về chất lượng cũng phải cao. Chính sách phát triển hạ tầng mạng lưới được áp dụng từ thời công nghệ 2G đến 3G và 4G hiện tại.
Năm 2017, trong một kết quả đo kiểm 4G của một số mạng tại khu vực Hà Nội của Cục Viễn thông, chỉ số tốc độ mạng 4G của MobiFone cũng đạt kết quả cao nhất dựa trên các chỉ số tải dữ liệu lên và xuống mà Cục Viễn thông công bố.
Mới đây, Cục Viễn thông cũng công bố kết quả đo kiểm định kỳ hàng năm chất lượng dịch vụ mạng data 3G của các nhà mạng, trong đó mạng MobiFone có chỉ số độ sẵn sàng của mạng vô tuyến với kết quả đo kiểm đạt 99,19% trong khi quy chuẩn (QCVN 81:2014/BTTTT) là ≥ 95%; tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 99,98% (quy chuẩn là ≥ 90%); thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình là 1,50 giây (quy chuẩn ≤ 10 giây); hay chỉ tiêu tỷ lệ (%) số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng lõi thì kết quả đo kiểm cũng 97,98% vượt khá nhiều so với quy chuẩn.
Theo Cục Viễn thông, việc tiến hành đo kiểm được thực hiện định kỳ hàng năm, các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 3G.
Đáp ứng nhu cầu tốt nhất
Theo đại diện MobiFone, khi dịch vụ viễn thông di động được phổ cập, bình dân từ những năm 2005 - 2006 trở về sau, cùng với sự phổ biến và ngày càng rẻ đi của các thiết bị điện thoại di động, người dân vùng nông thôn, vùng xa cũng tiếp cận với dịch vụ nhiều hơn, dễ hơn, khi đó tốc độ phát triển mạng lưới của nhà mạng cũng được lan tỏa đến khắp các huyện, xã để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tốc độ phát triển mạng lưới ở các tỉnh thành, miền quê tiếp tục được đẩy mạnh sau khi MobiFone chính thức tách ra khỏi Tập đoàn VNPT, thành đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông giữa năm 2014. Năm 2016, MobiFone khánh thành đường trục truyền dẫn Bắc - Nam (backbone), chính thức đánh dấu sự tự chủ hệ thống truyền dẫn. Hai năm gần nhất, 2017 - 2018, hàng chục nghìn trạm BTS 3G và 4G được phát triển ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
“Chiến lược phát triển hạ tầng mạng lưới của MobiFone ở những tỉnh thành, nhất là các trung tâm thành phố khi MobiFone tập trung thì chất lượng sóng phải là tốt nhất”, đại diện MobiFone khẳng định về chiến lược phát triển hạ tầng của mình, đồng thời dẫn chứng tại hai thành phố đông dân nhất là Hà Nội và TP.HCM với hàng triệu người dùng nhưng chất lượng sóng luôn đảm bảo cao/tốt nhất.
Ngoài ra, việc tối ưu hóa chất lượng mạng lưới cũng giúp MobiFone đảm bảo được chất lượng vùng phủ với sóng tốt hơn để cung cấp dịch vụ liên tục tới khách hàng.
Trên thực tế, dịch vụ dữ liệu (data) theo các đo kiểm độc lập và tổ chức, đều cho ra kết quả rất cao cả về tốc độ tải lên, tải xuống và độ sẵn sàng của mạng lưới, đáp ứng cho nhu cầu trải nghiệm tốt nhất của người dùng. Theo đại diện MobiFone, phát triển hạ tầng ở các thành phố lớn khó khăn và phức tạp, tuy nhiên, khi đã đảm bảo chất lượng và chất lượng tốt ở các đô thị đông dân nhất này thì việc lan tỏa và phát triển tỉnh thành, huyện xã cũng đơn giản hơn.
Kết quả từ chiến lược “mạnh từ tâm” trên đã giúp MobiFone luôn có một lượng khách hàng ở các thành phố sử dụng dịch vụ rất đông và chiếm tỷ lệ rất cao. Đặc biệt là TP.HCM, từ khi thành lập đến thời điểm hiện tại, nhà mạng này luôn chiếm thị phần lớn nhất và cũng là thị trường lớn nhất của MobiFone.