Ông Bùi Sơn Nam, Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhận định 4G sẽ mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nhà mạng này, đồng thời là "cơ hội để thay đổi cục diện thị phần" trên thị trường viễn thông.


{keywords}

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ nhất sáng 27/7, ông Nam khẳng định phát triển 4G đồng bộ với hệ thống truyền dẫn băng rộng sẽ là ưu tiên tập trung của MobiFone trong giai đoạn 2015-2020.

Phát ngôn này thể hiện quan điểm nhất quán của MobiFone đối với 4G, bởi trước đó, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này, một trong những đề xuất nổi bật lên Bộ TT&TT cũng là sớm được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G LTE để "MobiFone có thể triển khai dịch vụ 4G LTE trên băng tần 1800 MHz từ đầu năm 2016". Bên cạnh việc thí điểm triển khai cung cấp dịch vụ LTE trong thời gian qua thì MobiFone cũng đã xây dựng kế hoạch cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền hạ tầng 4G, tập trung quy hoạch mạng lưới, đặc biệt là mạng 4G, tính toán tối ưu hóa chi phí. Song song với đầu tư 4G, MobiFone cho biết sẽ tiến hành chuẩn bị các nền tảng cần thiết cho kinh doanh 4G.

Giải thích cho sự mặn mà với 4G, một lãnh đạo cấp cao của MobiFone cho biết, trong các nhà mạng Việt Nam hiện nay, MobiFone sở hữu nền tảng khách hàng thuộc phân khúc "cao cấp" nhất, có giá trị ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao) cao nhất. Chính vì thế, việc triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng mới mang thương hiệu MobiFone, có chất lượng và giá trị cao trên nền tảng 4G là một hướng đi hợp lý để "vừa tạo sự khác biệt, vừa mang về nguồn thu mới đáng kể". Các thuê bao của mạng này cũng dễ dàng chấp nhận các gói cước 4G hơn so với những đối tượng khách hàng như sinh viên, người dân nông thôn....

Trước MobiFone, một nhà mạng khác là Viettel cũng rất tích cực đề xuất Bộ TT&TT sớm cấp phép 4G. Cụ thể, tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng đã kiến nghị Bộ cấp phép ngay trong năm 2015, thay vì năm 2016 như kế hoạch.

Theo ông Dũng, Viettel hiện đang cung cấp dịch vụ tại Lào và Campuchia. "So với các nước trong khu vực thì chúng ta đang chậm hơn. Ngay Thái Lan cũng sẽ triển khai 4G vào cuối năm nay". Một lý do nữa khiến Viettel muốn đẩy nhanh cấp phép 4G là vì theo Tập đoàn này, nếu có giấy phép 4G sớm thì sẽ "đỡ phải đầu tư tiếp cho 3G, vừa lãng phí, vừa khó khấu hao".

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz trong nửa cuối năm nay và tiến hành đấu thầu, cấp phép 4G từ đầu năm 2016. Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Tần số xác định, một trong những trọng tâm công tác của cơ quan này trong nửa cuối năm nay sẽ là hoàn thiện hồ sơ đấu giá băng tần và chuẩn bị tổ chức đấu giá băng tần 2600 MHz.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son từng phân tích: 4G là một dịch vụ mà Việt Nam bắt buộc phải tiến hành cung cấp trong tương lai gần, vì đấy là xu hướng phát triển chung của thế giới., nhưng lựa chọn thời điểm sao cho phù hợp, không sớm quá cũng không muộn quá, là việc rất quan trọng. Muộn quá thì Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ đi sau các nước, nhưng cung cấp sớm quá thì công nghệ chưa ổn định, giá thành còn đắt.

T.C