Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in "sách giáo khoa" phục vụ cho việc dạy học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang.
Sáng 25/9, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ đón bằng công nhận Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh nhận bằng công nhận Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Mộc bản Trường học Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 18 đến 21-5-2016. Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in "sách giáo khoa" phục vụ cho việc dạy học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện Mộc bản Phúc Giang gồm 383 bản in khắc gỗ, hình thức khắc tinh.
Mộc bản trường học Phúc Giang |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Suzan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bày tỏ ngưỡng mộ đối với những sáng tạo được lưu giữ trên Mộc bản Trường học Phúc Giang và khẳng định sự độc đáo của di sản thuộc sở hữu của một dòng họ ở Việt Nam còn được lưu giữ đến ngày nay.
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam, cho rằng việc ghi danh Mộc bản Trường học Phúc Giang đã khẳng định thêm truyền thống hiếu học của con người Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Ông Châu kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiện giữ các di sản phối hợp với UNESCO để được bảo tồn và vinh danh.
Bằng việc ghi danh Mộc bản Trường học Phúc Giang trong Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương, UNESCO cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy di sản cũng như sự chia sẻ các di sản này với cộng đồng quốc tế.
T.Lê