Tìm đến ThS-BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), chị H.A nói từ nhỏ được bố mẹ dạy "tình dục là chuyện tồi tệ, không nên biết quá nhiều".   

Người phụ nữ vừa đón tuổi 30 ở tháng trước cho hay chị không hề muốn gần gũi chồng, nghĩ đến thôi đã lo lắng, xấu hổ. Nhiều lần để chiều chồng, chị phải cắn răng chịu đựng, đếm từng phút để mong qua cuộc ái ân.

Khám và tư vấn cho chị H.A, bác sĩ Thành cho hay chị gặp phải tình trạng “sexual repression” (ức chế tình dục), những người mắc tình trạng này có xu hướng không bộc lộ các khía cạnh tình dục của mình.

“Họ nghĩ rằng hành động và mọi thứ liên quan tình dục là sai, thường thấy tội lỗi, xấu hổ”, bác sĩ Thành cho hay.

Dấu hiệu nhận diện người "sợ yêu"

Theo vị bác sĩ, nhiều tài liệu khoa học đã chỉ ra một số cách để nhận biết một người đang mắc phải tình trạng này hay không.

Trước hết, họ khó chịu về các vấn đề tình dục. Trước hoặc khi đang ái ân, họ đều thấy lo lắng mà không giải thích được lý do. Vì thế, khoái cảm là điều khá xa lạ với họ.

Bản thân họ cũng cho rằng thủ dâm, quan hệ tình dục là việc sai trái. Nếu có nhu cầu bản năng “gần gũi”, họ cũng thấy tội lỗi, chán nản với chính mình. Ngoài ra, không thiếu những trường hợp coi tình dục là “vùng cấm”, có thể do văn hoá...

“Ở Việt Nam, vẫn còn những trường hợp e ngại khi nói chuyện “người lớn” với trẻ nhỏ. Thậm chí, không ít phụ huynh áp đặt cho con trẻ rằng chuyện liên quan tình dục là đau đớn, tội lỗi; hoặc thủ dâm, nghĩ đến tình dục là phạm tội”, bác sĩ Thành nêu thực tế và cho rằng, chính những quan niệm tiêu cực ấy khiến những đứa trẻ đó ác cảm cực đoan với tình dục khi trưởng thành.

Một nhóm người cũng có thể gặp ác cảm về tình dục do từng chịu tổn thương, chấn thương tình dục (như bị cưỡng bức hay lạm dụng). Họ xem hành vi quan hệ tình dục hay nhẹ nhàng hơn là cử chỉ thân mật đều xấu xa và không phù hợp chuẩn mực đạo đức.

“Mỗi khi suy nghĩ đến chuyện quan hệ, ký ức đau thương có thể xuất hiện, để bảo vệ bản thân, họ phải tìm cách bài trừ suy nghĩ về tình dục”, bác sĩ Thành phân tích.

Phản ứng tiêu cực với tình dục có thể gây hại              

Bác sĩ Thành cho hay thái độ, phản ứng tiêu cực về tình dục có thể gây hại tới cuộc sống, sức khoẻ. “Sexual repression gây ra nhiều sợ hãi và căng thẳng khi quan hệ tình dục, đặc biệt là lần đầu tiên. Với phụ nữ, căng thẳng có thể biểu hiện như co thắt 'cô bé' tạo thành 'bức tường' do lo sợ bị xâm nhập”, bác sĩ Thành nói.

Khi “cô bé” không phối hợp, chị em khó tránh được cảm giác đau đớn, bị thương, thậm chí ảnh hưởng tâm lý.

Với những người mắc sexual repression, dù rất thích đối phương nhưng chứng bệnh khiến họ xấu hổ khi nhận thấy cơ thể bị kích thích tình dục. Về lâu dài, chị em sẽ mang tâm trạng lo âu, bất an, mất hứng thú với chăn gối.

Thực tế trong quá trình tư vấn, khám chữa bệnh, bác sĩ Thành nhận thấy có những trường hợp do khi nhỏ được giáo dục về tình dục theo hướng cực đoan nên sợ hãi, chán ghét nhưng khi được tiếp xúc với môi trường cởi mở, phóng khoáng, họ lại thay đổi hoàn toàn như để giải toả quá khứ hà khắc bằng việc có nhiều bạn tình, quan hệ không an toàn.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, tình dục là chuyện 2 người, giao tiếp rất quan trọng nên cần sự trao đổi thẳng thắn, bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Nếu một người gặp các triệu chứng "sợ yêu" này, nên tìm đến các chuyên gia y học tình dục để được xác định nguyên nhân và hướng điều trị.

Ngoài ra, tư duy và phương pháp giáo dục y học giới tính, tình dục cho thế hệ trẻ cũng cần thay đổi, tình dục cần được đánh giá theo hướng khách quan, công bằng thay vì đó là “vùng cấm” và tiêu cực.

Thanh Hiền