Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019" do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức sáng 25/4.
Năm 2019, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đã có khảo sát hành vi sức khỏe học sinh sinh viên toàn cầu tại Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia nghiên cứu này.
Nghiên cứu nhằm thu thập dữ liệu thực trạng về yếu tố nguy cơ với sức khỏe và bệnh không lây nhiễm đối với các lứa tuổi học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 (13 - 17 tuổi) với các chỉ số về chế độ dinh dưỡng, ăn uống, sử dụng rượu bia, sức khỏe tâm thần, tình dục...
Cuộc khảo sát lần này triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia. Số học sinh tham gia khảo sát đều từ lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường.
So sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy, có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực.
Trong đó, tỷ lệ học sinh hút thuốc lá, dùng ma tuý và học sinh bị bắt nạt giảm nhiều. Ngoài ra, học sinh đã tăng cường hoạt động thể chất. Trong đó, tỷ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%.
Tuy nhiên một số chỉ số tích cực bị giảm. Theo báo cáo, so sánh kết quả điều tra tại Việt Nam năm 2013 và 2019, học sinh ăn thức ăn nhanh tăng hơn; tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì tăng lên. Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử mức khá cao.
Học sinh suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 50% nhưng học sinh thừa cân, béo phì là 5,8% (tăng lên 10,6% trong 2019).
Đặc biệt, thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019).
Trong số những học sinh đã từng quan hệ tình dục, 42,4% có sử dụng bao cao su và 44,0% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với tỉ lệ này vào năm 2013 (lần lượt là 52,6% và 64,2%). trong đó 63,0% có sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất.
Việc quan hệ tình dục trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và mang thai ngoài ý muốn cũng như tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao.
Báo cáo cũng đưa ra những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần. Số liệu được thu thập trước khi dịch Covid-19 xảy ra thế nhưng đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng.
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua.
PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, trường Đại học Y tế công cộng, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đây là nhóm yếu tố nguy cơ cần lưu ý vì số liệu này được thu thập trước khi dịch Covid-19 xảy ra, trước khi chúng ta thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, trẻ ở nhà nhiều, không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè nhiều. Nếu khảo sát tại thời điểm hiện tại thì có lẽ tỷ lệ này cao hơn.
Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm bố mẹ đồng hành cùng các con không cao. Đây là điều bậc phụ huynh cần suy nghĩ.
Ngọc Trang