Ngay từ những ngày đầu, liên kết thương mại này gây tranh cãi nhưng sau đó lại ăn sâu vào mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.

{keywords}
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/2 nêu rõ quan điểm của Berlin về nhập khẩu khí đốt của Nga: “Châu Âu đã cố loại năng lượng Nga khỏi các lệnh trừng phạt. Hiện tại, nguồn cung năng lượng cho sưởi ấm, sản xuất điện, đi lại và công nghiệp của châu Âu không thể đảm bảo bằng cách nào khác”.

Nga còn cung cấp khí đốt cho nhiều quốc gia khác khắp Liên minh châu Âu (EU), nhưng thị trường Đức vẫn nắm vị trí hàng đầu với ngành khí đốt Nga. Theo dữ liệu của Nga, trong năm 2020, 20% khí đốt xuất khẩu của nước này có điểm đến là thị trường Đức, điều này khiến Berlin là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Moskva. Mối giao thương về khí đốt giữa Nga và Đức đã bắt nguồn từ cách đây 50 năm.

Năm 1955, Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer đến Moskva để thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Vào năm 1958 và 1960, hai quốc gia đạt được thỏa thuận thương mại và từ đó thương mại song phương cũng dần nở rộ.

Kênh DW (Đức) cho biết trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Liên Xô sở hữu nguồn dầu khí đáng kinh ngạc. Và khi ngành kinh doanh năng lượng khổng lồ bắt đầu manh nha với Liên Xô Nhu thì nhu cầu về đường ống lớn do Đức sản xuất cũng tăng vọt.

Tây Đức bắt đầu cung cấp đường ống cho Druzhba - đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới ở thời điểm đó nối giữa Nga với Đông Âu và đi vào hoạt động từ năm 1964. Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã để ý tới ngành năng lượng đang lớn mạnh ở Liên Xô, từ đó thúc đẩy qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lệnh cấm vận xuất khẩu đường ống từ Tây Đức tới Liên Xô.

Vào cuối thập niên 60, chính sách Ostpolitik của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt góp phần mở rộng quan hệ với các láng giềng ở phía Đông. Điều này tạo nền móng cho thỏa thuận lịch sử giữa Tây Đức và Liên Xô năm 1970 khi Tây Đức đồng ý mở rộng Transgas, phần kéo dài của đường ống dẫn khí Soyuz, qua CH Séc ngày nay vào bang Bavaria miền Nam nước Đức.

Để đổi lấy khí đốt, Tây Đức sẽ cung cấp đường ống cho Liên Xô. Như vậy, khí đốt nhập khẩu từ Liên Xô được thanh toán bằng phí sử dụng đường ống của Tây Đức.

Đến năm 1973, khí đốt của Liên Xô chảy đến Tây Đức. Một số nhà bình luận, học giả đánh giá thỏa thuận năm 1970 là sự rẽ nhánh trong Chiến tranh Lạnh. Số khí đốt Tây Đức nhập khẩu từ Liên Xô đã tăng ổn định trong thập niên 70 và sau đó có thêm nhiều thỏa thuận được thống nhất để đẩy mạnh nguồn cung.

Khủng hoảng dầu mỏ vào giữa thập niên 70 đã khiến các quốc gia như Tây Đức thêm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên như một nguồn năng lượng trong khi Liên Xô thu được nhiều lợi nhuận.

Chú thích ảnh

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Kể từ lệnh cấm xuất khẩu đường ống vào đầu thập niên 60, các Tổng thống Mỹ luôn quan ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu và nguồn năng lượng Liên Xô. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Tổng thống Ronald Reagan nhiều lần cố gắng thuyết phục Tây Đức và các quốc gia châu Âu khác giảm nhập khẩu khí đốt Liên Xô.

Nhưng mối quan hệ dựa trên khí đốt này đã đem lại lợi nhuận cho cả Tây Đức cùng Liên Xô. Đến thời điểm bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Liên Xô đóng góp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt tại Tây Đức. Nguồn cung khí đốt của Liên Xô và Nga đến Tây Đức và nước Đức ngày nay đã tăng từ 1,1 tỷ mét khối năm 1973 lên 25,7 tỷ mét khối năm 1993.

Đến thập niên 90, tập đoàn nhà nước Gazprom của Nga đặc biệt quan tâm đến việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua lãnh thổ Ukraine. Đường ống dẫn Yamal hoạt động tối đa công suất từ năm 2006 đã nối từ Siberia đến Đức qua Belarus và Ba Lan.

Sau đó là đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1, chuyển khí đốt trực tiếp từ lãnh thổ Nga đến Đức qua Biển Baltic. Thỏa thuận được ký kết năm 2005 giữa Thủ tướng Đức khi đó Gerhard Schröder cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dòng chảy Phương Bắc 1 đi vào hoạt động từ năm 2012.

{keywords}
Công nhân vui mừng khi hoàn thành Dòng chảy Phương Bắc 2 vào tháng 9/2021. Ảnh: DW

Trong thập niên qua, Đức tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga quy mô lớn. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước chịu áp lực ngày càng tăng, chủ yếu xuất phát từ lo ngại địa chính trị. Mỹ đặc biệt quan ngại về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 qua Biển Baltic sẽ tăng đáng kể nguồn cung trực tiếp khí đốt từ Nga đến Đức.

Bất chấp phản đối từ Mỹ, Dòng chảy Phương Bắc 2 đã được hoàn thành hồi tháng 9/2021. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/12/2021 thông báo Dòng chảy Phương Bắc 2 đã sẵn sàng cho xuất khẩu khi đoạn đường ống thứ hai được bơm đầy.

Nhưng Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn chưa khởi động hoạt động thương mại do chờ sự chấp thuận của Đức và EU theo quy định. Cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ hôm 24/2 đã khiến chính phủ Đức ngừng phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ không thể vận hành nếu bị chặn lại ở bước được phê duyệt và cấp phép.

Trong khi đó, các quan chức EU vào ngày 8/3 đã nhấn mạnh đến kế hoạch đến trước năm 2030 ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga và riêng năm 2022 sẽ giảm 2/3 nhu cầu. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: “Chúng ta phải độc lập hơn trước dầu mỏ, than đá và khí đốt từ Nga”.

Theo baotintuc.vn

Mỹ nói Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga 'đã chết'

Mỹ nói Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga 'đã chết'

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 'đã chết', chấm dứt hy vọng khôi phục dự án trị giá 12 tỷ USD của Nga.