Sở hữu khối tài sản 6 tỷ USD, bác sĩ Patrick Soon-Shiong là một trong những bác sĩ giàu nhất thế giới. Ngoài công việc phẫu thuật, ông còn là doanh nhân, nhà sinh học, giảng viên đại học và sở hữu hãng truyền thông. Ông sáng lập NantWorks, cộng đồng khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và trí tuệ tổng hợp.
Dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời vị bác sĩ người Mỹ gốc Nam Phi là phát minh ra Abraxane dùng chữa ung thư vú, phổi và tuyến tụy. Mỗi lọ thuốc chứa 100mg dung dịch truyền tĩnh mạch.
Lọ thuốc đem lại tài sản tiền tỷ
Soon-Shiong sinh năm 1952 tại Nam Phi. Cha mẹ ông đã rời Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai. Cha ông là một bác sĩ Đông y.
Sau khi nhận bằng y khoa tại Đại học Witwatersrand, ông bắt đầu sự nghiệp ở Nam Phi. Vào cuối những năm 1970, ông đã chữa trị cho những người bị thương trong cuộc bạo loạn Soweto. Kế tiếp, ông thực tập nội trú phẫu thuật tại Đại học British Columbia. Ông gặp nữ diễn viên Michele B. Chan - người sau này trở thành vợ của ông. Hai người di cư sang Mỹ.
Năm 1983, ông gia nhập Trường Y UCLA với tư cách là giảng viên tại Khoa Phẫu thuật đường tiêu hóa rồi trở thành Giám đốc Chương trình Cấy ghép tuyến tụy của UCLA.
Sau khi phát triển phương pháp điều trị bệnh tiểu đường bằng cấy ghép tế bào sản xuất insulin vào tuyến tụy của bệnh nhân, Soon-Shiong rời UCLA. Ông thành lập công ty nghiên cứu y học của riêng mình vào năm 1991.
Cuối những năm 1990, ông mở rộng nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư, phát triển các thuốc chữa ung thư vú. Một trong những loại thuốc đó là Abraxane.
Năm 2010, Soon-Shiong bán công ty phát triển Abraxane cho Celgene với giá 2,9 tỷ USD. Ông cũng xây dựng rồi bán một công ty dược phẩm khác là APP Pharmaceuticals cho Fresenius của Đức với giá ước tính 4,6 tỷ USD.
Ngập trong trong tranh cãi
Bản thân viên thuốc đem lại cả gia sản cho Soon-Shiong đã khiến giới chuyên môn dậy sóng. Theo L.A. Times, Abraxane có giá đắt đỏ không phải là một loại thuốc mới hoàn toàn mà được làm lại từ một trong những loại thuốc chống ung thư nổi tiếng nhất - paclitaxel. Một nhóm bác sĩ ung thư hàng đầu đã đặt câu hỏi liệu loại thuốc đắt tiền trên có phải là “bình mới rượu cũ” hay không.
Không chỉ vậy, theo New Yorker, Soon-Shiong đã nhiều lần bị buộc tội khai man tài chính, gian lận, bị các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, các bác sĩ khác kiện. Cả chính người thân cũng kiện Soon-Shiong hai lần.
Soon-Shiong cũng từng bị ca sĩ Cher cáo buộc đã bẫy bà bán cổ phần của một công ty dược phẩm đầy hứa hẹn với giá "bèo".
Vị tỷ phú từng quyên góp 12 triệu USD cho Đại học Utah vào năm 2014. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên cáo buộc Soon-Shiong và công ty của ông có liên quan đến các giao dịch bất hợp pháp. Tuy nhiên, Sở Thuế vụ Mỹ không phát hiện vi phạm nào.
Không chỉ đầu tư trong lĩnh vực y tế, Soon-Shiong còn lấn sân sang mảng truyền thông. Ông đã mua Union-Tribune và L.A. Times với giá 500 triệu USD vào năm 2018. Nhưng tháng 7 vừa qua, ông đã bán Union-Tribune cho đối thủ cạnh tranh MediaNews với số tiền không được tiết lộ.
Vị tỷ phú khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là tập trung vào việc chuyển hóa L.A. Times thành tổ chức tự chủ. Los Angeles - nơi chúng tôi sống và bang California cần một tổ chức tin tức độc lập, mạnh mẽ. Chúng tôi tin vào L.A. Times và cam kết với tương lai của tờ báo”.