Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024 quy định 9 chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm: Bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng, lương y và người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Luật mới nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền của người bệnh; từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh...

Tuy nhiên, thầy thuốc cũng có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong 5 trường hợp sau đây:

- Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác phù hợp để khám chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khác.

- Việc khám chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

- Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.

- Người bệnh yêu cầu phương pháp khám chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.

- Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 của Luật này (liên quan người bệnh là người thành niên và thanh niên rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự) không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Thời gian qua, hàng loạt vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế được báo chí phản ánh. Mới nhất, Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) cho biết chỉ trong nửa tháng, nhân viên của bệnh viện đã gặp 2 vụ hành hung liên quan đến các đối tượng sử dụng rượu bia. 

Người đàn ông đánh vào mặt bác sĩ Bệnh viện quận 7 tối 22/11. Clip: BVCC

Tình trạng nhân viên y tế bị hành hung là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và phục vụ của nhân viên y tế nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu Bệnh viện quận 7 rà soát và củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự. Trong đó, lưu ý thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), 70% đối tượng bị tấn công trong các vụ mất an ninh, trật tự tại bệnh viện là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 60% vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh; 30% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%).

Người bệnh được quyền được từ chối khám chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám chữa bệnh trong các trường hợp sau:

- Được từ chối khám chữa bệnh nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình sau khi đã được người hành nghề tư vấn, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh.

- Được rời khỏi cơ sở khám chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc rời khỏi này, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định.