Ngày lễ độc thân 11/11 được coi là “đại tiệc giảm giá” sản phẩm đến từ các thương hiệu hoạt động tại Trung Quốc. Sức nóng của hàng giảm giá lan tỏa sang nhiều quốc gia trong khu vực. Các thương lái, chủ cửa hàng nhân cơ hội này ôm hàng với số lượng lớn. Nhiều du học sinh Việt đang học tập và làm việc ở Trung Quốc cũng kiếm được khoản tiền lãi khủng nhờ làm cầu nối trung gian.

Bắt đầu vào tháng 11, chị Lê Ngân du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc lại tấp nập lên đơn, nhận order hàng cho khách. Tính riêng ngày lễ độc thân năm trước, nhờ chăm chỉ săn hàng khuyến mãi chị thu về 20 triệu đồng tiền lãi.

Chị Ngân chia sẻ, chị đã làm công việc đặt hàng thuê được 3 năm, đa phần là nhận order của các khách sỉ, chủ shop và làm hàng với nhóm cộng tác viên. Mỗi đơn hàng trong dịp lễ thường dao động từ 20-50 triệu đồng. Khách phải đặt cọc trước 50% tiền hàng hoặc thanh toán toàn bộ do lượng hàng đặt trong dịp lễ tương đối lớn, cũng để tránh tình trạng khách đặt xong bom hàng không lấy.

{keywords}
Các trang thương mại điện tử như Alibaba.com, Taobao.com, 1688.comluôn là địa chỉ yêu thích của giới săn hàng

Hình thức vận chuyển vẫn theo cách thông thường, hàng đặt xong sẽ về địa chỉ đăng ký ở Trung Quốc, sau đó người mua sẽ phân loại hàng, đóng thành từng kiện gửi theo đường bộ lên các container về nước. Khi về tới Việt Nam sẽ có người nhận hàng và phân phối đến từng khách đặt.

Chị Ngân cho biết, cách thức săn hàng qua các năm đều có sự thay đổi, bởi vậy người làm dịch vụ phải luôn cập nhật tin tức. Điển hình như năm nay, một số thương hiệu lớn ở Trung Quốc cho phép người mua đặt cọc tiền trước từ 10-150 tệ để giữ hàng.

“Khi có thông báo mới, tôi lập tức điện cho các mối hàng ở Việt Nam, chốt lại số đơn mua và nhanh chóng gom hàng cho khách. Bởi những ngày này, đội quân săn hàng sale rất lớn và hùng hậu, chậm chân một phút là hết hàng”, chị nói.

Đồng quan điểm, chị Chiêu Quỳnh, du học sinh Việt tại Trung Quốc nhận định, lễ độc thân là ngày hội buôn bán lớn nhất trong năm. Ngay khi vào mùa, lượng đơn hàng thường tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Bởi vậy, các du học sinh cũng tranh thủ dịp này để kiếm thêm thu nhập bằng việc nhận order thuê sản phẩm.

Chị Quỳnh cho biết, đa phần khách đặt hàng vào dịp lễ thường là chủ buôn muốn ôm hàng với số lượng lớn. Như mùa trước, có ngày chị nhận order hơn 10 triệu đồng mặt nạ dưỡng da cho một khách. Số tiền lãi lớn nhất mà chị thu về là hơn 3 triệu đồng/đơn/ngày.

Để tỷ lệ đặt hàng thành công cao, trước ngày hội sale, người mua phải xem trước các sàn thương mại điện tử để cập nhật giá cả. Sau 3 năm trực chiến, chị Ngân rút ra bí kíp săn hàng sale hiệu quả là người mua phải cho sẵn sản phẩm cần mua vào giỏ hàng, nhận hết coupon sale (mã giảm giá) của các hãng muốn mua, nâng tài khoản lên thẻ Vip sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn.

Ngoài ra, nếu có điều kiện thì nên dùng nhiều tài khoản thanh toán thì sẽ nhận được thêm ưu đãi. Đặc biệt trong ngày 11/11, người mua phải thức canh sale trong khoảng thời gian từ 0-2 giờ sáng vì lúc đó có nhiều ưu đãi nhất.

Mặc dù là dân chuyên nghiệp nhưng nhiều lúc chị Ngân vẫn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Chị nhớ, dịp lễ 11/11 năm trước do chưa có chương trình đặt cọc, chị phải rải đơn hàng của khách trên nhiều sàn giao dịch. Do lượng người truy cập cùng một thời điểm quá đông và ồ ạt dẫn đến tình trạng tài khoản của chị bị kích ra khỏi ứng dụng. Hậu quả là sau khi đăng nhập lại, mặt hàng chị muốn mua đã hết sạch, vì sự cố đó mà chị phải xin lỗi và nghe khách mắng thậm tệ vì tội làm sót đơn.

Không chỉ với dịch vụ cá nhân, nhiều doanh nghiệp nhận vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đau đầu dịp 11/11. Chị Chi Nguyễn, nhân viên phụ trách mảng đặt hàng của một doanh nghiệp tại Hà Nội tâm sự, chị phải lên kế hoạch trước cả tháng để giảm thiểu tối đa sự cố. Lượng đặt hàng trong dịp này tăng cao nên hay xảy ra tình trạng tắc biên, vận chuyện gián đoạn. 11/11 năm ngoái, các đơn hàng về Việt Nam đều bị chậm 7-12 ngày.

Hiện có 2 hình thức đặt hàng hộ mà các công ty hay áp dụng: Thứ nhất, khách tự chọn sản phẩm trên Taobao, nhờ bên công ty mua hộ và vận chuyển về Việt Nam; Thứ hai là hình thức ký gửi, khách tự liên hệ với nhà cung cấp bên Trung Quốc, tự thanh toán và phía doanh nghiệp chỉ phụ trách vận chuyển. Mức phí dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg về Hà Nội, 35.000-40.000 đồng/kg về TP.HCM. Nếu khách lấy trên 1 tấn hàng, giá chỉ còn 5.000 đồng/kg về Hà Nội và 15.000 đồng/kg về TP.HCM.

Hoàng Dung

Mua sắm cho vui, hội độc thân chi tiền tỷ dọn sạch 30 kho hàng

Mua sắm cho vui, hội độc thân chi tiền tỷ dọn sạch 30 kho hàng

CEO tự đi giao hàng, thuê Cristiano Ronaldo làm quảng cáo,... các ông lớn thương mại điện tử cạnh tranh khốc liệt để thắng lớn ngày độc thân (11/11).