“Thảm kịch Itaewon cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Tôi không thể ngừng nghĩ về nó. Tôi đã gặp ác mộng đêm qua sau khi xem tất cả hình ảnh và video trên mạng”.

“Tuy là một y tá, tôi rất sốc khi thấy đoạn clip ghi lại cảnh hô hấp CPR cho các nạn nhân. Xin đừng đăng tải những video đó lên nữa”.

“Nhiều người đã mất mạng ở vụ tai nạn thảm khốc này. Vậy mà chúng ta tiếp nhận nó như thể đang xem một bộ phim”.

Kể từ tối 29/10, hình ảnh và video về thảm kịch Halloween ở Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) phủ sóng mạng xã hội. Một số tài khoản đã mô tả đêm hỗn loạn đó sống động đến mức khiến nhiều người cảm thấy bị chấn thương tâm lý, theo Korea Times.

Hoa, nến và đồ uống kèm thông điệp gửi đến các nạn nhân được đặt tại đài tưởng niệm dựng tạm thời gần hiện trường vụ việc. (Ảnh: Jean Chung/The Washington Post).

Chấn thương tâm lý

Trong số đó, video ghi lại cảnh lực lượng cứu hộ thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho các nạn nhân nằm la liệt trên đường phố được lan truyền nhanh chóng, cùng với đó là hình ảnh những thi thể được đắp chăn màu xanh lam.

Thậm chí, những đoạn clip ghi lại khoảnh khắc xảy ra vụ giẫm đạp, cho thấy mọi người gục xuống và bất tỉnh.

Một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo rằng việc lưu hành hình ảnh, video như trên có thể gây ra tổn thương không chỉ cho nạn nhân và gia đình của họ, mà còn cả những người ngoài cuộc.

“Các bức hình, đoạn clip có thể xâm phạm quyền riêng tư của các nạn nhân và tăng thêm nỗi đau cho những người sống sót. Hơn nữa, chúng có thể gây ra chấn thương tâm lý cho nhiều người”, Korea Times trích tuyên bố khẩn cấp do Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc đưa ra hôm 31/10.

Tuyên bố kêu gọi các phương tiện truyền thông hãy tuân thủ đạo đức của việc đưa tin tức về thảm kịch, bảo vệ quyền con người của nạn nhân trong quá trình đưa tin, đồng thời cố gắng không gây ra thêm nỗi lo sợ và bối rối cho cộng đồng.

Kêu gọi ngừng chia sẻ

Người dùng mạng xã hội cũng được đề nghị ngừng chia sẻ nội dung liên quan đến vụ việc và không đưa ra những bình luận thù địch.

“Lời lẽ hận thù trong tình huống thảm họa này sẽ càng khắc sâu vào nỗi đau của tang quyến và những người có mặt tại hiện trường vụ việc, cản trở họ hồi phục tinh thần”, Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc cho biết.

Bên cạnh đó, hiệp hội khuyến cáo mọi người không nên xem hình ảnh, video và tin tức liên quan quá mức nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Theo các chuyên gia, việc liên tục nhìn các bức ảnh có khả năng gây ra chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD).

Một người đàn ông bày tỏ sự thương tiếc tại bàn thờ được thiết lập ở Seoul City Hall Plaza ngày 31/10. (Ảnh: Jean Chung/The Washington Post).

“Mọi người có xu hướng tiếp tục tìm kiếm thông tin về thảm kịch dù biết trước nó sẽ rất hãi hùng và kinh hoàng. Ngay cả khi không trực tiếp liên quan đến vụ giẫm đạp này, họ vẫn có thể cảm nhận cảnh tượng đó một cách sống động nếu tiếp tục nhận tin tức”, Chung Chan-seung, Chủ tịch quan hệ công chúng tại Hiệp hội Nghiên cứu căng thẳng sang chấn Hàn Quốc (KSTSS), cho biết trong một cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây.

Ông Chung cho rằng mọi người có thể đã tiếp nhận đủ thông tin khách quan cần thiết. Do đó, đã đến họ nên ngừng xem phương tiện thông tin đại chúng và tự bảo vệ mình.

Tối 29/10, hàng chục nghìn người đổ xô đến khu vực Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) để tham gia lễ hội Halloween. Đây là sự kiện Halloween đầu tiên được tổ chức trở lại sau 3 năm, khi Hàn Quốc dỡ bỏ nhiều hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Thảm kịch xảy ra khi nhiều người bị nhồi nhét trong một con hẻm hẹp, cạnh khách sạn Hamilton. Các quan chức xác nhận đã có 154 người chết (98 phụ nữ, 56 đàn ông) thuộc nhiều quốc tịch và 133 người khác bị thương. Do nhiều người bị thương nặng, số trường hợp tử vong có thể còn tăng lên, theo Korea Times.

Theo Zing