- Hàng loạt những cái đầu tiên xảy ra ở giải điện ảnh Oscar 2012 ngầm chứa niềm tự hãnh lớn lao của Hollywood về quá khứ lẫn hiện tại.
Hệ thống “cân đong” đề cử Oscar
Cứ khỏa thân là sẽ đoạt Oscar?
Ba cuộc đấu tay đôi tại Oscar 2012
"The Artist" viết lại lịch sử giải Oscar
Angelina Jolie và Brad Pitt lộng lẫy trên thảm đỏ Oscar
Khi tài tử Tom Cruise xướng tên “The Artist” (Nghệ sĩ) ở hạng mục phim xuất sắc nhất, những người theo dõi Oscar hẳn khó nén được tiếng thở dài theo kiểu “cuối cùng thì chuyện cũng xảy đến”.
Phim câm đen trắng “The Artist” của điện ảnh Pháp đoạt 5 giải Oscar cho phim xuất sắc nhất, đạo diễn, nam diễn viên chính, phục trang và tổng phổ nhạc nền. |
Sự bất thường mang tên “The Artist”
“The Artist” là một hiện tượng bất thường xét trên nhiều góc cạnh. Dù là sản phẩm của điện ảnh Pháp, nhưng “The Artist” được bấm máy tại chính Hollywood và nhận được một phần tài trợ từ giới đầu tư ở kinh đô điện ảnh, trong tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Không chỉ chọn “The Artist” cho giải phim hay nhất, đưa bộ phim trở thành phim câm thứ hai trong lịch sử được giải này (sau “The Wings” của kỳ Oscar đầu tiên vào năm 1929), các thành viên của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ còn lần đầu tiên vinh danh một đạo diễn và nam diễn viên là người Pháp. Đó là đạo diễn Michel Hazanavicius và diễn viên Jean Dujardin, cả hai vốn chỉ nổi tiếng trong nội bộ điện ảnh Pháp.
“The Artist” đưa người Pháp thống trị tại giải Oscar của điện ảnh Mỹ năm nay. |
Về mặt sáng tạo, bộ phim lao theo một ý tưởng khá điên rồ giữa thời các nhà làm phim lạm dụng kỹ xảo trong việc kể chuyện. Đó là làm theo phong cách phim câm đen trắng, dòng phim vốn đã chết và bị thay thế bởi phim có tiếng nói vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước.
Dài chừng 100 phút, đặt trong bối cảnh giao thời giữa dòng phim câm và phim có tiếng nói, “The Artist” chuyển tải câu chuyện xen lẫn hài hước và bi kịch. Phim xoay quanh cuộc đời xuống dốc của George Valentin (Jean Dujardin), một nam tài tử phim câm; và sự nghiệp đang lên của Peppy Miller (Berenice Bejo), nữ diễn viên trẻ của dòng phim có tiếng nói.
Nhân vật chính George Valentin đã đẩy cuộc đời và sự nghiệp của mình bên bờ tuyệt vọng. Lòng kiêu hãnh khiến George trở nên bảo thủ, giới hạn tài năng của mình trong địa hạt mà ông đã ở vị trí một ông hoàng. Ông từ chối cuộc cách mạng tiến bộ đang thổi tới, cho phép người làm phim có thêm công cụ kỹ thuật để kể những câu chuyện hấp dẫn hơn. Kết quả là cuộc đời bỏ rơi ông trong cơn khốn cùng, tuyệt vọng.
Peppy Miller, người đã từng nhờ George để có thể bước chân vào điện ảnh và nay đã thành cô đào đầy quyền lực, vẫn âm thầm tìm cách cứu giúp cuộc đời George và có mặt khi ông cần. Câu chuyện về quy luật đào thải khắc nghiệt đã tìm thấy một kết thúc có hậu và thẫm đẫm tình người.
"The Artist” được làm làm theo phong cách phim câm đen trắng, vốn đã chết vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước |
Khi Hollywood tự hãnh
Bằng cách này, “The Artist” không chỉ gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tình yêu đối với khán giả phổ thông, mà còn là bản ngợi ca tinh tế về sức sáng tạo không ngừng của Hollywood nói riêng và thế giới điện ảnh nói chung.
Không phủ nhận những giá trị sáng tạo của bộ phim, nhưng người ta không thể không tự hỏi: Nếu như “The Artist” không hoài niệm quá khứ huy hoàng của Hollywood và ngợi ca những giá trị của nó một cách khéo léo như vậy, liệu bộ phim Pháp này có đoạt tới 5 giải trên tổng số 10 đề cử?
Câu hỏi làm gợi nhớ tới những trường hợp như phim Ý “Life is beautiful” (năm 1999) và phim Đài Loan “Ngọa hổ tàng long” (2001)… Chúng đều là phim nước ngoài có mặt trong đề cử phim xuất sắc và đều thất bại!
“Hugo” – bộ phim đoạt 5 giải Oscar khác ca ngợi những điều kỳ diệu của điện ảnh |
Không chỉ có “The Artist”, “Hugo” của đạo diễn Martin Scorsese – bộ phim đoạt 5 giải trên tổng số 11 đề cử - cũng là tác phẩm ca ngợi những điều kỳ diệu mà điện ảnh mang lại cho cuộc sống, thông qua sự tôn vinh, kính trọng dành cho nhà làm phim tiên phong Georges Méliès.
Ai cũng biết anh em nhà Lumière là những người phát minh ra phim ảnh, khiến dân Paris những năm cuối thế kỷ 19 phải hét lên thích thú khi thấy hình ảnh chiếc tàu hỏa lao từ xa về phía trước màn ảnh, hay đơn giản là cảnh một buổi tan ca.
Nhưng khi anh em nhà Lumière xem phát minh của mình chỉ như một trò vui trong hội chợ, thì chính “phù thủy sân khấu” Georges Méliès đã nhìn thấy tiềm năng dùng phim ảnh như một công cụ kể chuyện. Ông bắt đầu làm những bộ phim đầu tiên với chất liệu lấy từ những giấc mơ của mình.
Có vẻ như, với việc trao nhiều giải nhất cho hai bộ phim tôn vinh những giá trị của điện ảnh, Oscar cho thấy sự già cỗi trong cách hoài niệm về quá khứ, thay vì một thông điệp mang tính dự báo hay thức tỉnh gửi đến thế giới hôm nay.
Minh Chánh