Ngày 15/7, trong bài viết "Hàng giả, nhái bán tràn lan, Lazada và Shopee nói gì? đại diện Lazada thông báo "đang xóa" các sản phẩm nhái. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, Lazada vẫn chưa có động thái triệt để nhằm ngăn chặn các sản phẩm vi phạm pháp luật trên.
Thậm chí, nhiều gian hàng còn được xây dựng có hệ thống với tên lấy theo các nhà bán lẻ điện thoại di động uy tín, đăng bán hàng loạt các sản phẩm nhái, giả. Trong đó, các sản phẩm giá trị cao như điện thoại, đồ điện tử là nhóm hàng vi phạm nổi bật.
Sáng mua chiều hỏng
Nhờ sử dụng chiêu trò lừa đảo tinh vi, nhiều gian hàng trên Lazada vẫn bán loại hàng mà theo người trong nghề khẳng định "đã cầm trên tay là không bao giờ mua".
"Cửa hàng tôi từng nhận sửa rất nhiều sản phẩm smartphone nhái mua trên các sàn thương mại điện tử. Các thiết bị này được nhập từ Trung Quốc với giá từ 500.000-1.000.000 đồng. Đủ loại máy nhái, từ iPhone X đến Oppo F11 Pro. Cứ mẫu nào mới ra là có hàng nhái", Lê Khánh, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Thành Thái, Quận 10, TP.HCM cho biết.
iPhone nhái giá rẻ không tưởng trên Lazada. |
Cũng theo ông Khánh, đa phần khách hàng mang những chiếc điện thoại nhái ra sửa thường có điểm chung là "sáng mua trên Lazada chiều hư", dùng không ổn định và không biết người bán ở nơi nào.
"Từng có người mang đến sửa một Galaxy A7 rao bán trên Lazada. Người bán cam kết RAM 4 GB, ROM 128 GB. Tuy nhiên tất cả các số trên đều là giả. Máy cứ 5 phút tắt nguồn một lần. Chủ máy bỏ thì tiếc nhưng đem đi sửa thì càng tốn hơn", ông Khánh nói.
Ngày 20/7, trong vai người mua, phóng viên liên hệ hai gian hàng có tên "Center" và "Điện thoại giá khuyến mãi tốt" trên Lazada. Gian hàng Center bán một sản phẩm với tiêu đề "iPhone X (bản Singapore)" có giá 2.570.000 đồng. Trong khi đó, gian hàng còn lại bán sản phẩm "iPhone 7 Plus chuẩn 100%".
Chiêu lừa đảo "ve sầu thoát xác", rũ bỏ trách nhiệm
Sau nhận được đơn đặt hàng, chủ gian hàng trên Lazada lập tức hủy đơn. Tiếp đến, một người tự nhận là "hệ thống xác nhận đơn hàng của Lazada" gọi đến số điện thoại được dùng để đăng ký mua hàng.
"Em gọi từ Lazada để xác nhận đơn hàng iPhone X. Hình như đơn này anh tự hủy phải không. Nếu muốn bọn em sẽ vẫn ship ngoài cho anh", một giọng nam tự nhận mình là nhân viên của Lazada nói.
Trong suốt cuộc nói gọi, người này khăng khăng cho rằng khách hàng đã tự hủy đơn hàng. Đồng thời, "nhân viên Lazada" ngỏ ý nếu vẫn tiếp tục muốn nhận hàng thì "phía Lazada" sẽ vận chuyển theo hình thức COD (thu tiền khi giao).
Các mẫu điện thoại vừa ra mắt đã có hàng nhái trên Lazada. |
Về nguồn gốc sản phẩm, các gian hàng trên Lazada đều né tránh các từ như hàng nhái, giả, Trung Quốc... Thay vào đó, người bán giới thiệu đây là hàng "chính hãng" (không nói tên hãng), "hàng xách tay". Thậm chí một số gian hàng khẳng định "hàng xách tay thôi chứ Apple không có giá này" hoặc "iPhone thiệt người ta không dám mua trên Lazada đâu".
Cũng với sản phẩm iPhone, một gian hàng khác lại không xác nhận đơn hàng nhưng vẫn gọi trực tiếp đến người mua để "chốt". Điểm chung của hai gian hàng Lazada bán điện thoại nhái trên là chủ động gọi cho khách và tìm mọi lý do để hủy đơn hàng trên hệ thống Lazada.
"Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chủ shop sẽ bằng mọi thủ đoạn hủy đơn và dùng thông tin khách hàng có trên Lazada để ship sản phẩm bằng các dịch vụ bên thứ ba", ông Lê Minh Hiệp, người có gian hàng thời trang trên Lazada chia sẻ.
Theo ông Hiệp, người mua có thể mất cảnh giác khi nghe cụm từ "nhân viên Lazada" từ đó chấp nhận mua hàng với suy nghĩ mình sẽ được bảo vệ từ sàn thương mại điện tử này.
Tuy vậy, một khi đơn hàng đã bị hủy, người mua sẽ không nhận được bất kỳ hình thức hậu mãi nào từ hoàn trả, bảo hành đến đánh giá shop bán hàng. "Nói cách khác, chiếc iPhone nhái trên Lazada sẽ được bán cho người dùng ngoài chính sách của sàn thương mại điện tử này", ông Hiệp cho biết.
Chiêu trò lừa đảo này đã được áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay trên Lazada. Trong chính sách bán hàng, Lazada và Shopee đều bỏ qua khâu đồng kiểm (xem hàng mới giao tiền). Việc này được các shop lừa đảo sử dụng nhuần nhuyễn theo công thức: hủy đơn > ship không qua Lazada/Shopee > nhận tiền > nếu có sự cố thì yêu cầu khách liên hệ Lazada và chối bỏ trách nhiệm.
Mua điện thoại, nhận ly nước
"Nhờ công thức này mà các shop bán hàng giả, nhái trên Lazada tha hồ phóng đại, quảng cáo lố các sản phẩm bởi họ sẽ không phải chịu trách nhiệm. iPhone nhái họ có thể thoải mái nói là chính hãng. Chỉ cần bước hủy đơn và ship ngoài không bị người dùng phát hiện là họ có thể tiếp tục tồn tại. Nếu bị phát hiện thì Lazada cũng chưa có quy trình xử lý việc này", ông Hiệp chia sẻ.
Thậm chí, có khách hàng còn bị tráo sản phẩm khi mua hàng trên Lazada bằng thủ đoạn hủy đơn giao ngoài này.
Trong nhiều hội nhóm mua hàng Facebook, người dùng tố cáo gian hàng Lazada âm thầm hủy đơn và chuyển một chiếc ly khi họ mua hàng điện tử. |
Trong một nhóm mua hàng trực tuyến trên Facebook, tài khoản Anh Phạm chia sẻ việc mua Oppo F11 Pro trên Lazada với giá 950.000 đồng. Tuy vậy, khi nhận hàng, trong hộp mở ra chỉ có một chiếc cốc thủy tinh.
"Lúc nhận hàng, shipper nói theo luật của Lazada phải thanh toán rồi mới cho mở hàng. Việc bên trong có gì hay sản phẩm hư hỏng thì trao đổi lại với Lazada. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại đơn hàng trên tài khoản thì mới vỡ lẽ người bán đã hủy. Như vậy, trường hợp của tôi không được sàn thương mại này giải quyết", Anh Phạm bức xúc trong nhóm Facebook.
Cũng theo tài khoản Anh Phạm, dù muốn đánh giá 1 sao để cảnh báo người mua sau cũng không có cách nào bởi chỉ khi hoàn thành đơn hàng người dùng mới để lại bình luận được.
Đây là kẽ hở lớn trên Lazada khiến các gian thương sở hữu gian hàng có thể lừa tiền người mua nhờ mạo danh nhân viên của sàn TMĐT này,