Báo cáo về lễ hội mua sắm 12/12 vừa qua của Shopee cho thấy, người dùng ngày càng ưa chuộng mua hàng qua hình thức phát trực tiếp (livestream). Cụ thể, số lượng nhà bán hàng và thương hiệu tham gia bán hàng qua hình thức livestream tăng gấp 4 lần, số sản phẩm bán ra tăng gấp 18 lần so với ngày thường.

Xu hướng này thể hiện rõ trong các đợt cao điểm khuyến mại. Chẳng hạn, vào lễ hội mua sắm 11/11 năm 2021, doanh thu bán hàng được tạo ra từ kênh livestream của Lazada tăng gấp 7 lần, đồng thời, số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia bán hàng trên kênh này cũng tăng 1,6 lần so với cùng kỳ. 

Mua hàng qua livestream vừa giúp người dùng giải trí, vừa giúp thấy rõ sản phẩm. (Ảnh: Lazada)

Trong đợt mua sắm 6/6, kênh bán hàng qua video phát trực tiếp livestream của Lazada cũng ghi nhận doanh thu tăng mạnh gấp 6,5 lần, số lượt xem và người dùng mua sắm cũng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. 

Theo phân tích, bán hàng livestream giúp người bán giới thiệu sản phẩm dễ dàng hơn khi có thể cho người tiêu dùng thấy rõ chất liệu, kích cỡ, màu sắc… của sản phẩm.  Điều này cũng đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng khi mua hàng trên nền tảng online.

Theo khảo sát của Lazada, 80% người dùng cho biết, dễ mua hàng hơn khi xem livestream so với khi xem 1 bài đăng thông thường. Trong đó, tệp khách hàng chủ yếu của hình thức mua sắm này là thế hệ GenZ.

Về phía nhà bán hàng, hình thức livestream đem đến nhiều thuận lợi như nội dung các video có thể tái sử dụng nhiều lần, vừa tiết kiệm chi phí marketing vừa chủ động nội dung và có thể đánh giá chỉ số người xem dễ dàng thông qua lượt xem, like, share và bình luận… Từ đó, người bán hàng có thể đánh giá hiệu quả của livestream và có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Số liệu trong đợt mua sắm trên Shopee 12/12 còn cho thấy, những chương trình khuyến mại đồng loạt từ sàn thương mại điện tử không chỉ giúp gia tăng doanh thu mà còn thu hút lượng người dùng mới rất lớn.

Theo đó, số lượng người dùng mới trên sàn này tăng gấp 3 lần so với ngày thường, trên phạm vi cả nước.

Điều này phù hợp với các nghiên cứu chỉ ra rằng, các chương trình khuyến mại giảm giá vẫn là phương thức chủ lực trong việc hút khách hàng trên thương mại điện tử.

Không chỉ hút người mới tham gia mua sắm trực tuyến, đợt giảm giá đồng loạt ngày 12/12 mới đây cũng giúp người dùng gia tăng sử dụng các dịch vụ đi kèm. Cụ thể, số lượng người dùng mới liên kết thành công ví điện tử ShopeePay tăng gấp đôi so với ngày thường, cho thấy sự phổ biến và tiện lợi của phương thức thanh toán không tiền mặt.

Nhờ các chương trình ưu đãi, giảm giá sản phẩm trên toàn sàn, số lượng sản phẩm của gian hàng chính hãng bán ra tăng gấp 9 lần ngày thường. 

Theo đánh giá của Criteo, ngày 12/12 là dịp tăng doanh số bán hàng trực tuyến cao nhất trong các đợt khuyến mại tại Việt Nam, với mức tăng 143% so với ngày thường.

Những con số ấn tượng trong các đợt cao điểm mua sắm cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Báo cáo mới phát hành của Google, Temasek và Bain & Company, khẳng định sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử góp phần giúp nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD.

Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới" một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển.

Trong đó, thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).